Theo thống kê của ngành dân số Việt Nam, từ sau năm 2009, sự mất cân bằng về giới tính ở nước ta có xu hướng tăng đột biến. Đặc biệt đáng chú ý là tình trạng giới tính nam nhiều hơn nữ. Trong đó nhóm tuổi từ 0-4 tuổi hiện đang có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất lên đến 111,6%, tương đương cứ 100 bé gái thì có 111,6 bé trai. Điều này khiến nước ta đứng trước những khó khăn thách thức trong tương lai như thiếu hụt lực lượng lao động, mất cân bằng giới trong cộng đồng, gánh nặng chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi,… Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ, hay nói cách khác 2,3 – 4,3 triệu đàn ông trong độ tuổi trưởng thành không có khả năng lấy vợ.
Cuộc trao đổi giữa Biên tập viên Báo Sức khoẻ cùng BS Huỳnh Xuân Nghiêm – PGĐ Bệnh viện Hùng Vương sẽ đề cập đến vấn đề này dưới góc nhìn đa chiều.
Minh Khuê: Việt Nam đã có những văn bản liên quan đến việc cấm tiết lộ thông tin giới tính thai nhi, nhưng hiện trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn diễn ra, đây có phải do việc quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo hay không, thưa BS?
BS Huỳnh Xuân Nghiêm: Có thể thấy, năm 2009 được xem là năm ổn định nhất về tỉ lệ sinh giữa bé trai và bé gái. Sau năm 2009, sự mất cân bằng về giới tính có xu hướng tăng đột biến. Sự mất ổn định này có thể do trong tâm thức một số người Việt Nam nói riêng và cộng đồng châu Á nói chung đều thích con trai hơn. Đồng thời, do kỹ thuật khoa học ngày càng phát triển, nên việc chọn lựa giới tính ngày càng dễ dàng và phổ biến hơn, như việc lựa chọn giới tính từ khi còn trong bụng mẹ. Bộ Y tế đã có quy định: Tất cả các bác sĩ đều không được cống bố kết quả siêu âm giới tính thai nhi, nhằm giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Đối với nhân viên y tế đã có những quy định chung và kể cả về đạo đức nghề nghiệp cũng vậy, nếu như em bé đó được siêu âm là bình thường, không xảy ra dị tật thai nhi thì gia đình không được phép bỏ thai. Nhân viên y tế phải tư vấn cho gia đình về vấn đề này. Nhưng ở nước ngoài, việc cho biết giới tính thai nhi vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Vì thế, một số hộ gia đình Việt Nam chọn phương pháp sang nước ngoài để lựa chọn giới tính.
Minh Khuê: Sẽ không thừa khi đề cập đến vấn đề bỏ thai, nhất là vì lựa chọn giới tính và những hệ lụy từ vấn đề này, phải không thưa BS?
BS Huỳnh Xuân Nghiêm: Có rất nhiều tai biến xảy ra khi thai phụ quyết định bỏ thai hoặc sinh non khi bào thai đã lớn (từ 18 – 20 tuần). Đó là băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung,… Trong đó, tai biến nghiêm trọng là băng huyết sau sanh. Sản phụ sẽ bị mất rất nhiều máu có khi không hồi phục do suy đa cơ quan và điều đáng báo động là độ tuổi phá thai cao lại nằm trong khoảng từ 20 – 30 tuổi và nguy cơ tai biến rất cao, có thể dẫn đến tình trạng vô sinh hay nghiêm trọng hơn là tình trạng mất máu quá nhiều dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Bất cứ hình thức Y khoa nào can thiệp vào cơ thể con người, đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt đối với phụ nữ có thai. Mặc dù Y học phát triển, chúng ta có thể cho bà mẹ uống thuốc hay ngậm thuốc cho thai tự động ra, không cần dùng đến hình thức nạo phá, nhưng nguy cơ để lại hệ luỵ rất cao. Ví dụ như sau khi uống thuốc, thai không ra hết, sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, có thể dẫn đến tình trạng vô sinh, không thể thụ thai ở lần kế tiếp. Ngoài ra, còn những ảnh hưởng phụ của thuốc nội khoa lên người phụ nữ. Chưa kể, nếu sự can thiệp của thuốc chưa tác dụng được lên bào thai, chúng ta phải dùng đến các thủ thuật y khoa như nạo phá thai. Tất cả những hình thức trên đều ảnh hưởng đến người phụ nữ, đặc biệt là sang chấn về tâm lý khiến họ dễ mắc chứng trầm cảm.
Ngoài khía cạnh về y khoa, cần đề cập đến một vấn đề khác chính là tổn thương về tâm lý. Y học cũng đã chứng minh, khi người phụ nữ đang trong giai đoạn chuyển dạ, không được ủng hộ tinh thần, tâm lý bị đè nặng thì những tai biến chắc chắn sẽ xảy ra.
Minh Khuê: Hiện nay, nếu đã xác định được giới tính của thai nhi thì ở thời điểm nào có thể biết được giới tính của thai nhi?
BS Huỳnh Xuân Nghiêm: Ngày nay, khi khoa học – kỹ thuật phát triển, Y học cũng có những bước tiến triển đáng kể thì với siêu âm 2D, chúng ta có thể nhận biết được rõ giới tính thai nhi từ 20 tuần tuổi. Còn đối với ở những tuổi thai từ tuần thứ 13, 14, hay tuổi thai từ tuần 11 cũng có thể nhận biết được giới tính, nhưng không đảm bảo được tính chính xác. Vì vậy, ở tuổi thai 20 tuần được xem là tuổi thai tốt nhất để xác định giới tính thai nhi. Thậm chí, với trình độ Y học hiện nay, ở tuổi thai 18 tuần, các bác sĩ có thể xác định chính xác giới tính. Có thể nói, ở nước ngoài, khi bà mẹ cấn thai, hoặc từ xét nghiệm nước ối, xét nghiệm máu của bà mẹ, đã có thể xác định được giới tính. Nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được áp dụng hình thức này vì chính phủ Việt Nam chưa cho phép, đồng thời, chi phí để xét nghiệm cao hơn so với hình thức siêu âm.
Minh Khuê: Khi có những chênh lệch giới tính, sẽ dẫn đến những vấn đề gì, thưa BS?
BS Huỳnh Xuân Nghiêm: Việc mất cân bằng giới tính như các nhà chức năng thống kê (120 hay 140, tuỳ theo địa phương), thì trước mắt có nghĩa là: Sẽ có khoảng 40 người nam “ế vợ”. Về khía cạnh xã hội, nếu một xã hội mất cân bằng về giới tính sẽ dễ dẫn đến những tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ,… Nếu tình trạng này tiếp diễn thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ, hay nói cách khác 2,3 – 4,3 triệu đàn ông trong độ tuổi trưởng thành không có khả năng lấy vợ. Dẫn đến tỉ lệ sinh giảm, dân số bị già hoá, đất nước sẽ không thể phát triển được.
Minh Khuê: Cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh hiện đang khuyến khích nâng mức sinh lên mức thay thế. Điều này được hiểu như thế nào?
BS Huỳnh Xuân Nghiêm: Trước nay chúng ta chỉ đơn thuần nhìn 1 chiều, tức làm sao giảm tỉ lệ sinh càng nhiều càng tốt, cho nên có một số nơi chỉ đạt mức 1 con trên 1 bà mẹ. Điều này đã dẫn đến một số hệ luỵ như hiện trạng mất cân bằng giới tính. Hiện nay, chúng ta có một chủ trương mới đó là sẽ nâng mức sinh lên mức thay thế. Như 1 số nơi ở vùng Đông Nam Bộ, tỉ lệ sinh vẫn còn rất thấp, vì thế, họ sẽ đưa ra các phương pháp thích hợp để nâng tỉ lệ sinh lên. Ngược lại, nếu tỉ lệ sinh ở khu vực đó cao thì sẽ giải quyết bằng cách hạ tỉ lệ sinh xuống nhằm cân bằng về giới tính.
Chủ trương mới này được người dân ủng hộ. Thứ nhất, nhìn theo phương diện đa chiều, tạo điều kiện cho những gia đình có những trường hợp đặc biệt, như đối với những gia đình có 2 con, nhưng 1 trong 2 đứa trẻ có 1 đứa trẻ không phát triển bình thường, nếu như chính sách vẫn giữ tiêu chuẩn mỗi hộ chỉ có 2 con thì vô tình sẽ gây áp lực lên những gia đình như vậy. Thứ hai, có những trường hợp không thể sinh thêm nữa vì một số lý do y khoa nào đó, thì được sinh con thứ 3 là một trong những cứu cánh nhìn dưới góc độ nhân văn.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nếu áp dụng chính sách mới này ở những vùng có tỉ lệ sinh thấp (như Tây Nguyên) thì sẽ gây áp lực về kinh tế không chỉ riêng ở mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Mặt khác, nhìn dưới góc độ y tế, việc sinh con thứ 3 có khả năng dẫn đến một số hệ luỵ nếu lần trước bà mẹ sinh mổ sẽ có những nguy cơ xảy ra sự cố khi chuyển dạ rất cao, như tình trạng vỡ tử cung, băng huyết. Những trường hợp trên sẽ là áp lực cho bệnh viện, vì phải theo dõi sát sao và chuẩn bị dự phòng 1 lượng máu rất lớn (có khi phải chuẩn bị đến 4000 ml máu) từ khi bà mẹ bắt đầu chuyển dạ.
Nhìn chung, chủ trương này phần lớn hướng đến những gia đình sinh ít, chỉ có con một. Còn với những gia đình đã có 2 con, hay bà mẹ đã đến độ tuổi ở gần vùng nguy hiểm, thì vẫn nên hạn chế. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ không nên sinh vào những độ tuổi trên 35, vì khả năng xảy ra dị tật ở trẻ cao.
Tóm lại, để giải quyết tình trạng chênh lệch giới tính, hiện ngành dân số tập trung tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời, cần có các chính sách ưu tiên nữ giới, những gia đình sinh con một bề là con gái, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.
Xin cám ơn Bác sĩ!
Tư vấn chuyên môn:
BS Huỳnh Xuân Nghiêm
– Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
Minh Khuê
Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn