Chấn thương bàng quang là một trong những tình trạng được đánh giá có mức độ khẩn cấp đối với nam khoa nói riêng và tiết niệu nói chung.
Bàng quang là một tạng rỗng chứa nước tiểu và giúp điều hòa hoạt động đi tiểu của con người. Nước tiểu vào bàng quang qua hai niệu quản và ra khỏi bàng quang qua ống niệu đạo. Khi đầy nước tiểu, bàng quang có dạng hình cầu, dung tích bình thường khoảng từ 250 đến 350 ml ở người trưởng thành. Như ở đàn ông, khi dung tích từ 350 – 750 ml thì cảm thấy mắc tiểu, ở đàn bà khoảng từ 250 – 550 ml. Do có tính đàn hồi cao, nên trong những trường hợp đặc biệt, tùy theo kích thước con người, bọng đái của người trưởng thành có thể chứa từ 900-1500 ml, tăng dung tích lên hơn 300% so với bình thường.
Đối với những trường hợp bị vỡ bàng quang, tức nơi chứa nước tiểu bị vỡ ra, gây ra một số phản ứng kích thích, nhiễm trùng, hay viêm phúc mạc, dẫn đến tử vong. Vì thế, khi gặp bất kì chấn thương nào, bệnh nhân đừng nên chủ quan chỉ khám riêng vùng bị chấn thương, mà cần phải khám toàn diện. Như khi có dấu hiệu chấn thương ở khung chậu, bệnh nhân cần lưu ý đến trường hợp có triệu chứng bất thường nào ở bàng quang không. Nếu có, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị nhanh chóng, tránh biến chứng về sau cho bệnh nhân, đặc biệt nếu để tình trạng vỡ bàng quang quá lâu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của vỡ bàng quang là sau khi chấn thương, bệnh nhân đi tiểu được rất ít, khoảng 20 – 40ml, kèm theo ít máu. Khi đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị, hạn chế các di chứng của chấn thương bàng quang. Nếu phát hiện trễ, sẽ cần đến những đường mổ lớn, đồng thời để lại các di chứng như tắc ruột, hay liệt ruột,…
Có 2 dạng: vỡ bàng quang trong phúc mạc và vỡ bàng quang ngoài phúc mạc.
- Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc
Gây ra tình trạng chấn thương rất nặng nề. Khung chậu là nơi chứa đựng các tạng ở bên trong như bàng quang, trực tràng, tử cung, ống tiêu hóa, ống niệu đạo,… tất cả đều được bảo vệ bởi xương khung chậu. Nên khi bị vỡ, khiến bệnh nhân mất máu rất nhiều, và có thể khiến nạn nhân mất mạng rất nhanh nếu không xử lý kịp thời.
Dấu hiệu khi vỡ bàng quang ngoài phúc mạc, đầu tiên là sự di lệch của ống niệu đạo, dẫn đến xuất huyết, gây bí tiểu. Bên cạnh đó cũng không thể loại trừ khả năng trực tràng của bệnh nhân bị tổn thương. Vì vậy, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng khó khăn khi đi vệ sinh. Đồng thời, máu lan đầy ở các vùng bìu, bẹn, hạ vị của nạn nhân, gây sốc và gây đau nhiều cho bệnh nhân.
- Vỡ bàng quang trong phúc mạc
Gây ra cảm giác đau nhói thoáng qua, nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám. Ở trường hợp này, khung chậu không bị vỡ, nhưng bàng quang sẽ bị rách ở vùng đỉnh và mặt sau của bàng quang, khiến nước tiểu tống xuất vào bên trong ổ bụng, gây nên tình trạng kích thích, nhiễm trùng ở khoang ổ bụng, dẫn đến tử vong.
Làm sao để hạn chế khả năng gây chấn thương bàng quang?
- An toàn trong lao động. Tuân thủ những quy trình về lao động ở cơ sở, nơi làm việc. Khi lao động, khi sử dụng những vật liệu, máy tự động,… cần nghiêm túc trong công tác lao động để làm giảm các rủi ro.
- Cần nói không với rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Ngoài việc có thể hạn chế khả năng gây chấn thương bàng quang, vỡ khung chậu và các chấn thương khác, còn giúp bảo vệ tính mạng bản thân và những người xung quanh.
- Đặc biệt, khi có nhu cầu đi vệ sinh, nên đi ngay, không nên vì những yếu tố khách quan xung quanh mà nhịn tiểu. Việc làm này sẽ để lại di chứng không chỉ cho bàng quang mà còn ảnh hưởng đến thận.
Tư vấn chuyên môn:
ThS. BS Mai Bá Tiến Dũng
– Trưởng khoa Nam học – BV Bình Dân
Minh Khuê
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24.vn