Chăm sóc hậu môn nhân tạo như thế nào?

Hậu môn nhân tạo là lỗ mở chủ động ở ruột già ra ngoài da, giúp đưa toàn bộ phân ra ngoài thay thế hậu môn thật trong một số trường hợp phải phẫu thuật hoặc có vấn đề ở đại – trực tràng.

Hậu môn nhân tạo có hai loại sau đây:

– Người bệnh sẽ đi tiêu ra hậu môn nhân tạo suốt đời gọi là hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
– Người bệnh đi tiêu qua hậu môn nhân tạo trong thời gian ngắn, khoảng 2 đến 6 tháng, sau đó sẽ được đóng lại. Bệnh nhân sẽ đi tiêu trở lại qua hậu môn thật. Đây gọi là hậu môn nhân tạo tạm thời.

Khi nào cần mang hậu môn nhân tạo?

Chăm sóc hậu môn nhân tạo sau khi mổ, những dụng cụ giúp chăm sóc hậu môn nhân tạo, các loại hậu môn nhân tạo, chăm sóc hậu môn nhân tạo

Ảnh minh họa.

Khi cần “giải phóng” chất thải ở đoạn ruột phía trên để giải quyết nguyên nhân ở phía dưới: cắt u hay bảo vệ vết thương phía dưới… Gặp trong các trường hợp:

– Bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn trễ.
– Viêm loét nặng đại – trực tràng chảy máu nhiều.
– Rò trực tràng – âm đạo hay rò trực tràng – bàng quang.
– Vết thương trực tràng ngoài phúc mạc.
– Vết thương ở đoạn đại tràng cố định.
– Dị dạng hậu môn trực tràng bẩm sinh.
– Tắc ruột do ung thư đại – trực tràng.
– Chít hẹp đại tràng.

Chăm sóc tinh thần bệnh nhân trước khi mổ

– Người bệnh sẽ rất lo âu về cuộc phẫu thuật sắp đến và thường tâm lý người bệnh trải qua các giai đoạn: từ chối, giận dữ, không chấp nhận phẫu thuật, trầm cảm. Vì vậy, chúng  ta nên an ủi, động viên bệnh nhân, khuyến khích người bệnh nói lên cảm xúc của mình, giới thiệu người bệnh tâm sự với người đã được đặt hậu môn nhân tạo thành công.

– Khuyên bệnh nhân nên tham gia buổi hướng dẫn của nhân viên y tế cho bệnh nhân có hậu môn nhân tạo. Nên xem sách, báo, Internet để có kiến thức tự chăm sóc tại nhà tốt nhất. Qua đó, người bệnh sẽ hiểu biết thêm về cách chăm sóc hậu môn nhân tạo, cách sinh hoạt hàng ngày sau mổ: chế độ ăn uống, tắm rửa, thay băng, hoạt động xã hội, công việc, sinh hoạt tình dục…

Chăm sóc sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau phẫu thuật có hậu môn nhân tạo trong những ngày đầu phải được nhân viên y tế chăm sóc bằng phương pháp vô trùng vì miệng và chân hậu môn chưa lành, có nguy cơ thấm phân vào ổ bụng gây nhiễm trùng. Trước khi xuất viện, bệnh nhân và thân nhân sẽ được hướng dẫn cách tự chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà.

Các dụng cụ để chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà

Chăm sóc hậu môn nhân tạo sau khi mổ, những dụng cụ giúp chăm sóc hậu môn nhân tạo, các loại hậu môn nhân tạo, chăm sóc hậu môn nhân tạo

Ảnh minh họa.

– Túi đựng phân: có nhiều loại tùy theo khả năng kinh tế, tốt nhất nên mua túi có chất bảo vệ da, có chất khử mùi và đặc biệt là xả được phân.


– Nước muối sinh lý đóng chai vô trùng (NaCl 0,9%) để rửa niêm mạc và da xung quanh hậu môn nhân tạo.
– Cồn i-ốt hoặc Povidine là dung dịch để sát trùng da xung quanh hậu môn nhân tạo.
– 1 cây kềm, 1 cây kéo.
– Gòn (có thể mua cả ký về se thành gòn viên), que gòn.
– Gạc, Pomat ô-xít kẽm, giấy vệ sinh.

Khi nào tiến hành rửa hậu môn nhân tạo?

Khi phân ra khoảng 2/3 túi; chân của túi đựng phân rỉ dịch và phân; vùng da xung quanh hậu môn rơm lở, nhiễm trùng phải thay túi mỗi khi ra phân.

Cách chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà 

Chăm sóc hậu môn nhân tạo sau khi mổ, những dụng cụ giúp chăm sóc hậu môn nhân tạo, các loại hậu môn nhân tạo, chăm sóc hậu môn nhân tạo

Ảnh minh họa.

– Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ. Cho bệnh nhân nằm hơi nghiêng về phía hậu môn nhân tạo. Lót 1 miếng nylon dưới hậu môn nhân tạo, lót thêm giấy vệ sinh.
– Tháo túi đựng phân ra. Đổ nước muối sinh lý ra ly sạch.
– Lấy que gòn (hoặc lấy kềm gắp gòn) nhúng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng (không chà xát) lên niêm mạc của hậu môn nhân tạo.

Lưu ý: Niêm mạc của hậu môn nhân tạo chỉ rửa bằng nước muối sinh lý, không lau khô, sát trùng bằng bất kỳ loại dung dịch sát trùng nào để tránh tổn thương.

– Sau đó, lấy que gòn (hoặc lấy kềm gắp gòn) nhúng nước muối sinh lý rửa vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo từ chân ra ngoài 5cm.
– Lau khô da bằng gạc, không lau bằng gòn để tránh tưa gòn dính vào niêm mạc hậu môn. Lấy que gòn (hoặc lấy kềm gắp gòn) nhúng cồn i-ốt (nếu da lành lặn) hoặc nhúng Povidine (nếu da nhiễm trùng) sát trùng lên vùng da mới rửa.
– Cắt miệng túi đựng phân mới. Đợi một chút cho da khô và gắn túi đựng phân vào (Nếu người bệnh đi đứng được đặt túi theo chiều dọc của bụng).
– Thu dọn và xử lý dụng cụ.

Chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân

Về dinh dưỡng
– Khuyên người bệnh dùng những thức ăn ít chất xơ.
– Tránh thức ăn có nhiều gia vị (khi người bệnh cần tham gia sinh hoạt ngoài cộng đồng).
– Không nên dùng các chất kích thích nhu động ruột như thuốc xổ.
– Khuyên người bệnh uống nhiều nước.
– Ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn.

Về vận động
– Tránh làm việc nặng khi đang mang hậu môn nhân tạo hay mới đóng hậu môn nhân tạo.

Vệ sinh thân thể
– Vẫn tắm rửa bình thường nhưng tránh chà sát savon lên hậu môn nhân tạo. Tái khám đúng hẹn hay đến bệnh viện ngay nếu thấy chảy máu, không ra phân, chướng bụng, đau bụng…

Nếu bệnh nhân không có khả năng kinh tế có thể làm túi tự chế để giảm bớt chi phí, chuẩn bị các dụng cụ sau:

– 3 cái vòng nhựa hay vòng cẩm thạch giả
– 2m dây thun, bề ngang 2cm
– 3 bộ móc
– Bịch nylon (giống bịch đựng nước mía).

Cách làm:

– Đo vòng bụng bệnh nhân
– Cắt 2 sợi dây thun, 1 sợi ngắn, 1 sợi dài
– May 2 sợi thun vào chiếc vòng
– May bộ móc
– Lấy bịch nylon cắt 2 lỗ ở 2 bên hông bịch rồi xỏ 2 sợi dây vào bịch là xong
– Làm 3 bộ để thay đổi khi bẩn
– Khi dùng cho bệnh nhân cần phải lót một lớp gạc dưới da hậu môn
– Sợi dây dài luồn xuống lưng rồi nối với sợi ngắn Có thể mua túi tự chế bán trước một số bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy để tham khảo cách làm.

 

 BS . Thu Ngọc
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Tin tức