Ngưng tim, ngưng thở là một trong những tình huống nguy hiểm, thường xảy ra ở người lớn, gặp phải ở người có tiền sử cao huyết áp, đau tim, đuối nước, điện giật, ngạt khói, hay đột quỵ,… Nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở thường ngất xỉu ngay tại chỗ, mất ý thức nhất thời. Trong tình huống đó, cần phải được cấp cứu nhanh chóng, nếu không, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Khi bắt gặp một người bị ngưng tim, ngưng thở, cần sơ cấp cứu cho họ ngay lập tức, bằng những một số hình thức cơ bản nhất, gồm hồi sức tim bằng cách ép tim và hô hấp nhân tạo, nhằm cung cấp oxy cho nạn nhân. Tỷ lệ hồi sinh thành công của nạn nhân sẽ giảm từ 7 – 10% sau mỗi phút. Tổn thương não sẽ không hồi phục sau 3 – 4 phút ngưng tuần hoàn mặc dù tim có thể còn tiếp tục đập sau 2 – 3 giờ trong tình trạng thiếu oxy. Vì thế, việc sơ cấp cứu kịp thời và nhanh chóng có ý nghĩa rất quan trọng.
Kỹ năng hồi sức tim phổi, trong trường hợp ngưng tim, ngưng thở
Khi ngưng tim, ngưng thở, chúng ta phải ép vào tim, để tim có thể đẩy máu đi nuôi cơ thể đồng thời nuôi não, trong khi tim không tự hoạt động. Thứ tự như sau:
- Kiểm tra xem thật sự bệnh nhân có bị ngưng tim, ngưng thở hay không? Đôi khi trong thực tế, bệnh nhân chỉ bị xỉu, không bị mất ý thức, bị mệt, nằm xuống, chóng mặt chẳng hạn, nhưng tim vẫn còn đập, bệnh nhân vẫn còn thở.
- Khi đã xác định được bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở ta sẽ gọi cứu thương, lực lượng y tế gần nhất.
- Trong khi chờ đợi lực lượng y tế đến, ta cần sơ cấp cứu cho bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân nằm lên một mặt phẳng cứng. Vị trí nhấn tim nằm ở 1/3 dưới xương ức, là xương nằm ngay trước ngực.
– Sau đó, đặt lòng bàn tay phải lên trên lòng bàn tay trái và đan chặt với nhau. Cánh tay duỗi thẳng, đồng thời ngồi ngang với bệnh nhân. Dùng sức nặng của người nhấn xuống, không dùng khuỷu tay để nhấn. Độ sâu khi nhấn tim tối thiểu tầm 5cm, tức 1/3 lồng ngực đối với người lớn. Vì nếu nhấn không đủ sâu, sẽ không đủ lực để tác động lên tim, để làm tim xẹp lại và tống máu ra ngoài. Nhịp 100 lần/ phút.
– Sau khi nhấn tim khoảng 30 cái, cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên và dùng một cái khăn bọc lên 2 ngón tay của mình và móc trong miệng bệnh nhân lấy dị vật hay chất nôn ói trong miệng bệnh nhân. Tránh móc sâu quá vào họng bệnh nhân, gây tổn thương.
– Sau đó, tiến hành thổi qua miệng bệnh nhân bằng cách hô hấp nhân tạo. Để hô hấp đúng, cần đặt một cái gối nhỏ hay quần áo xếp lên tầm 10- 15cm dưới vai, giúp đường thở bệnh nhân được thẳng và quá trình hô hấp được chính xác, tránh đặt trên đầu hay sau gáy của bệnh nhân. Trước khi hô hấp cho bệnh nhân, người sơ cứu cần hít một hơi thật sâu, vì nếu phổi không nạp đủ lượng hơi, khí khi ta thổi cho bệnh nhân sẽ là CO2. Sau khi hít một hơi sâu, đặt miệng trùm kín lên miệng bệnh nhân và thổi hết hơi vào trong lồng ngực. Sau đó lặp lại động tác hô hấp trên một lần nữa.
- Mỗi chu kỳ sơ cấp cứu bao gồm nhấn tim 30 cái và hô hấp nhân tạo 2 lần. Người sơ cấp cứu sau khi thực hiện từ 4 – 5 chu kỳ sẽ kiểm tra mạch bệnh nhân đã đập trở lại hay chưa, đồng thời kiểm tra lồng ngực đã hô hấp lại được hay chưa?
- Nếu trong trường hợp sau khi đã sơ cấp cứu nhưng các cơ quan chức năng trên chưa hoạt động trở lại, người sơ cứu vẫn phải tiếp tục chu kì sơ cấp cứu cho đến khi đội cấp cứu, lực lượng y tế đến.
Lưu ý:
Không nên tụ tập thành đám đông khi gặp trường hợp bị ngưng tim, vì:
- Gây thiếu hụt oxy cho bệnh nhân, gây cản trở lưu thông.
- Cần bình tĩnh, nên có một người đứng ra chỉ huy cho mọi người làm theo.
- Trong hồi sức, cần có 2 người để thay phiên nhau sơ cứu cho bệnh nhân theo cách thức trên.
- Liên hệ ngay với tổng đài cấp cứu 115.
|
Tư vấn chuyên môn:
PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định
– PGĐ Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM
Minh Khuê
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn