Cách xử lý khi bị chó, mèo cắn

Sức Khỏe – Khi bị chó, mèo (nhất là chó, mèo hoang, không rõ nguồn gốc hoặc đang lên cơn dại) cắn, tuyệt đối không chủ quan mà nên biết cách xử lý kịp thời vết thương cũng như tiêm vaccine phòng bệnh dại để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Khi bị chó mèo cắn, nạn nhân có nguy cơ bị bệnh dại do nhiễm virus dại từ chó, mèo (còn gọi là bệnh viêm não tủy cấp tính). Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, người bị nhiễm virus dại có thể lên cơn dại và tử vong. Do đó, việc xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn cũng như đi tiêm phòng vaccine dại kịp thời sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.

Theo thống kê có đến 40% trường hợp bị chó, mèo cắn là trẻ em
Theo thống kê có đến 40% trường hợp bị chó, mèo cắn là trẻ em

»40% NẠN NHÂN LÀ TRẺ EM

Theo thống kê của Viện Pasteur TP. HCM, có đến 40% trường hợp bị chó, mèo cắn là trẻ em và thường có những tổn thương rất nặng. Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị chó, mèo cắn với tổn thương rất nặng ở các vùng nguy hiểm như mặt, gáy, đầu… Thậm chí, có trường hợp trẻ tử vong do bị chó dữ tấn công. Trẻ em thường thích chơi với chó, mèo và hay có các hành động “bắt nạt” chúng như đánh, nắm đuôi, kéo tai… nên dễ khiến những chú cún cưng “nổi giận”. Ngoài ra, một số vật nuôi khác cũng có thể tấn công con người và gây lây nhiễm virus dại như chồn, dơi, chuột, sóc, khỉ… Do đó, để tránh nguy hiểm cho trẻ, nếu nuôi chó, mèo hoặc các động vật nhỏ, nên xích hoặc nhốt chúng vào lồng, rọ mõm cẩn thận, không cho trẻ tiếp xúc nhiều. Khi trẻ chơi một mình, nên có người lớn giám sát để phòng tránh việc chó, mèo tấn công bất ngờ và trẻ không biết cách phòng vệ nên dễ bị tổn thương.

»XỬ TRÍ KỊP THỜI

Khi phát hiện có người bị chó, mèo cắn, không nên quá sợ hãi hay luống cuống, cũng không nên vội vàng đánh chết chó, mèo do tức giận. Lúc này, những việc cần làm là:

– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến chỗ thuận lợi để tiến hành rửa vết thương bằng nước lạnh và xà phòng hay các chất sát khuẩn để diệt viruts dại. Không nên nặn máu ra vì có thể làm vết thương nặng hơn, dễ nhiễm trùng…

rửa vết thương bằng nước lạnh và xà phòng hay các chất sát khuẩn để diệt viruts dại
Rửa vết thương bằng nước lạnh và xà phòng hay các chất sát khuẩn để diệt viruts dại

– Nếu vết thương lớn, có chảy máu, tiến hành băng ép cầm máu. Nếu vết thương nhẹ, không chảy máu, không cần thiết phải băng kín, gây bí vết thương, dễ nhiễm trùng sau đó.

– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được các cán bộ y tế xử lý kịp thời. Sau đó, thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

»TIÊM VACCINE TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Sau khi bị chó, mèo cắn, nếu vết thương nhẹ, không ảnh hưởng đến thần kinh trung ương (vết cắn ở chân, tay…), chưa cần tiêm vaccine phòng dại ngay. Thay vào đó, nên theo dõi con vật đã cắn trong 10-15 ngày xem nó có bình thường không. Nếu con vật cắn vẫn bình thường hoặc đã được tiêm phòng dại, nạn nhân không cần đi tiêm. Trong trường hợp con vật đó chết, mất tích, bị làm thịt… thì phải đi tiêm vaccine ngay. Nếu không theo dõi được con vật đã cắn hoặc con chó, mèo cắn đang bị ốm, cũng cần nhanh chóng đi tiêm phòng.

Nếu bị cắn ở những vị trí nguy hiểm, ảnh hưởng đến thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ… thì dù vết cắn nhẹ, nạn nhân cũng cần đi tiêm vaccine phòng dại. Trường hợp vết thương nặng hoặc nghi ngờ chó, mèo cắn bị dại hay đang lên cơn dại cắn bậy, cắn nhiều người, phải tiêm kết hợp huyết thanh kháng dại và vaccine
phòng dại.

Tùy theo từng địa phương, nạn nhân có thể đến các trung tâm y tế dự phòng của các quận, huyện để được chích ngừa vaccine phòng dại. Đi tiêm ngay trong những giờ đầu tiên sau khi bị cắn là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản viruts dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Khi tiêm vaccine phòng dại, phải tiêm đủ liều theo quy định của loại vaccine đó, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.

Lưu ý, nếu người bị chó, mèo cắn lên cơn dại thì đều dẫn đến tử vong; biện pháp phòng tránh duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh. Do đó, tuyệt đối không áp dụng những bài thuốc Nam, Đông y hay những bài thuốc chữa mẹo, dân gian… vì có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân.

tiêm vaccine phòng dại để phòng bệnh khi bị chó, mèo cắn
Nên tiêm vaccine phòng dại để phòng bệnh khi bị chó, mèo cắn

»CẢNH GIÁC BIẾN CHỨNG SAU KHI TIÊM VACCINE

Nhiều người vì lo lắng tiêm vaccine phòng dại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như suy giảm trí nhớ, giảm tuổi thọ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản… nên thường không đi tiêm hoặc chỉ tiêm 1-2 mũi đầu. Thực tế, vaccine phòng dại có thể gây ra một số tác dụng phụ tại chỗ như ngứa, đau, sưng, hoặc gây buồn nôn, ói, đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu, mỏi mệt, chóng mặt, đau họng, sốt, đau cơ, đau khớp… (nhưng rất ít khi xảy ra). Riêng thông tin vaccine phòng dại có thể gây giảm trí nhớ, giảm tuổi thọ thì vẫn chưa được khoa học ghi nhận.

Thông thường, phải tiêm đến mũi thứ 2-3, vaccine mới tạo ra được kháng thể. Tùy cơ địa, có người sẽ nhạy cảm với thành phần vaccine phòng dại nên dễ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, khó chịu, nhức mỏi… Ngay sau khi tiêm, nếu có biểu hiện khác lạ, nên báo cho nhân viên y tế. Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng, cần theo dõi để thông báo cho bác sĩ. Các mũi tiêm tiếp theo có thể sẽ ngưng lại 1-2 ngày sau vì các mũi sau thường dẫn đến những biến chứng nặng hơn các mũi trước.

Người dân cũng có thể tiêm vaccine phòng dại để phòng bệnh khi bị chó, mèo cắn, gồm 3 mũi tiêm, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 7 ngày, mũi thứ ba cách mũi thứ hai 21 ngày. Một năm sau, tiêm nhắc lại một mũi và tiêm nhắc lại sau đó mỗi 5 năm.

Tư vấn chuyên môn:
BS. Nguyễn Minh Tiến
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM
Lê Nguyên

Posted in: Bệnh