Thời tiết trở lạnh là môi trường lý tưởng để các loại virus gây các bệnh hô hấp “vùng lên”. Bệnh ghé thăm từ trẻ con, người già đến thanh niên trai tráng.
Bệnh viện luôn đầy ắp người chen nhau chờ đến lượt khám các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm…
Dù cơ thể đang ngủ hay thức, tâm trạng đang khổ đau hay hạnh phúc, dù hoàn cảnh sang hay hèn, bất cứ ai cũng cần phải thở. Thở, hoạt động đầu tiên để bắt đầu sự sống và ngưng thở là sẽ kết thúc sự sống.
|
Bệnh viện luôn đầy ắp người chen nhau chờ đến lượt khám các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm…
|
Hít thở là hoạt động cơ bản nhất của hệ hô hấp. (Hệ này gồm các cơ quan mũi, hầu họng, thanh quản, khí quản và hai buồng phổi). Khi ta hít thở, các mầm bệnh sống trong không khí cũng theo đấy mà xâm nhập vào cơ thể.
Một chu kỳ thở bao gồm: thì hít vào, trao đổi khí và thì thở ra. Mỗi khi hít vào, không khí có chứa ô-xy theo mũi (và miệng) đi vào trong buồng phổi theo các khí quản và làm phồng các túi khí bên trong phổi.
Thông thường, trước khi đến phổi, các màng nhầy ở mũi, họng đã làm cho không khí ấm hơn và ẩm hơn để hạn chế tình trạng nhiễm lạnh cho phổi. Tuy nhiên, khi thời tiết trở lạnh, hoạt động của hệ hô hấp bị ảnh hưởng lớn, khí hít vào không được lọc và sưởi ẩm như thường lệ nên các mầm bệnh có cơ hội xâm nhập vào cơ thể và phát triển thành bệnh.
Đổ nhiều bệnh khi tiết sang mùa
Mùa lạnh, mọi người rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm mũi, sổ mũi, ho, viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amiđan và VA, viêm họng cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi, giãn phế quản, cảm cúm, viêm thanh quản, hen phế quản…
Có hai nguyên nhân khiến vào mùa lạnh, nhiều người mắc bệnh về hô hấp.
Về khách quan, khi thời tiết chuyển từ ấm áp, nóng nực sang lạnh là môi trường thuận lợi để virus gây các bệnh về đường hô hấp phát triển. Bên cạnh đó, mùa này cũng là mùa trăm hoa đua nở, phấn hoa theo gió phát tán qua không khí khiến mọi người mắc bệnh vì dị ứng phấn hoa. Về chủ quan, người dễ mắc bệnh còn do cơ thể quá yếu, sức đề kháng kém nên không chống lại sự tấn công của virus gây bệnh.
Người già, trẻ em: mục tiêu đầu tiên của virus
Không phải đợi đến thời tiết trở lạnh mới có bệnh hô hấp. Thực ra, bệnh về đường hô hấp là căn bệnh quanh năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đường hô hấp như: dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa, lông vật nuôi, bụi bẩn; do cơ địa, do thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin, không được chủng ngừa; do vệ sinh thân thể kém, cơ thể bị nhiễm lạnh như ngâm trong nước lâu, đi ngoài gió lạnh không giữ ấm cơ thể, do ngồi trước máy lạnh; do nhiễm trùng răng miệng… Và thời tiết trở lạnh chỉ là yếu tố thuận lợi cho các bệnh hô hấp trỗi dậy. Lúc này, những người có sức đề kháng kém sẽ bị virus “quật ngã” ngay.
Bình thường, như đã đề cập ở trên, khi hít thở, không khí được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần bởi niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi – họng trước khi đi vào khí quản. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, “hệ thống máy lọc” bị co lại không còn khả năng “hoạt động” như cũ. Vì thế, khí lạnh được hít vào không được lọc và sưởi ấm mà tự do di chuyển đến họng, thanh quản, các phế nang… Khí lạnh đi đến đâu sẽ khiến nơi đó bị tổn thương.
Trẻ em dưới 7 tuổi, người già, người có thể trạng yếu, người mắc các bệnh mãn tính như: lao phổi, đái tháo đường, bệnh tim… hệ miễn dịch đã suy yếu nên dễ mắc bệnh.
Nhiều người, kể cả những người có học vấn cao cũng có những thái độ sai lầm khi điều trị như tự ý mua thuốc, uống thuốc ngắn hơn thời gian chỉ định, xin toa thuốc của người khác…
|
Khởi đầu: ho, khạc đờm, sổ mũi, nóng sốt
Ho, khạc đờm, sổ mũi, nóng sốt là bốn triệu chứng điển hình của bệnh đường hô hấp. Bệnh đường hô hấp gồm các bệnh về đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Những bệnh đường hô hấp trên như: sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, viêm họng cấp, viêm xoang là những bệnh nhẹ, việc điều trị đơn giản.
Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng thời gian cần thiết bệnh sẽ chuyển sang những biến chứng nguy hiểm mà hậu quả không thể nói trước được, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hai bệnh đường hô hấp chiếm tỷ lệ nhiều nhất vào mùa lạnh là hen và dị ứng tái phát. Những bệnh đường hô hấp dưới như: viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do viêm phế quản, viêm phổi, cảm cúm… cũng thường trở dậy và hoành hành người bệnh vào mùa lạnh.
Bệnh tiến triển nặng khi người bệnh tự làm bác sĩ
Bệnh về đường hô hấp trên thường xảy ra vào mùa lạnh. Tuy nhiên, việc mắc bệnh hay không là còn tùy thuộc vào khả năng đề kháng của cơ thể. Trung bình, khi virus xâm nhập vào cơ thể thì khoảng từ 7-14 ngày sau sẽ phát bệnh. Vì vậy, thời gian điều trị cũng thường kéo dài như vậy. Tuy nhiên, qua thực tế điều trị cho thấy, mọi người chưa nhận thức đúng nên chưa có thái độ đúng đắn và nghiêm túc trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp trên. Một số người, kể cả những người có học vấn cao, cũng có những thái độ sai lầm khi điều trị.
– Tự ý mua thuốc uống: Họ thường ra nhà thuốc tự khai bệnh và mua, nhưng đa số là nhờ người khác mua giùm. Trong trường hợp này, những người bán thuốc dù không xác định bệnh nhân bệnh gì, tình trạng, thể trạng người bệnh ra sao chỉ nghe khai triệu chứng là bán. Họ thường bán nhiều loại kháng sinh liều cao với mục đích giúp bệnh nhân chặn đứng ngay cơn bệnh.
Có người chỉ bị ho dị ứng nhưng lại được bán một lúc 5 loại kháng sinh mạnh. Điều này rất nguy hiểm vì uống kháng sinh không đúng chỉ định dễ làm đau dạ dày, sốc phản vệ, bị dị ứng, buồn nôn…
–Uống thuốc ngắn hơn thời gian chỉ định: Trong điều trị quy định, uống kháng sinh phải uống đủ liều mới có kết quả. Thông thường bác sĩ chỉ định uống thuốc từ 5-7 ngày. Bệnh nhân uống mới 2-3 ngày thấy đã hết triệu chứng liền ngưng thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì dễ làm virus lờn thuốc, bệnh dễ tái phát. Khi ấy, bệnh nhân lại phải bắt đầu điều trị từ đầu.
– Xin toa thuốc của người khác: Mọi người vẫn còn thói quen “xin toa thuốc” của nhau. Người này bị viêm họng đi khám được cho toa thuốc uống hết. Có người quen cũng bị ho bèn lấy toa thuốc cũ ra cho. Người kia dù chưa biết chính xác nguyên nhân cũng mang toa được cho đi mua. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi loại thuốc thường có chống chỉ định. Nếu không biết rõ bệnh gì, sẽ chống chỉ định với ai mà uống bừa bãi sẽ gây hậu quả khôn lường. Nếu may mắn không xảy ra chuyện gì thì việc mượn toa thuốc của người khác mua uống cũng giống như “uống thuốc đau bụng lại mong cho hết đau đầu” vậy.
Nên tuân thủ chỉ định điều trị và nhớ tái khám
Những bệnh theo mùa này không đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nhưng khiến họ ăn không ngon, khó ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe.
|
Những bệnh theo mùa này không đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nhưng khiến họ ăn không ngon, khó ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ con, người già mắc bệnh thì người khỏe mạnh phải nghỉ làm để chăm sóc. Việc chăm sóc người bệnh khiến sức khỏe cũng bị giảm sút. Mỗi năm, xã hội phải tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ để chữa bệnh, mất một số ngày công lao động rất lớn để nghỉ bệnh và chăm sóc bệnh.
Có thể thấy những ảnh hưởng rõ rệt nhất lên bệnh nhân:
– Viêm mũi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi khiến đường thở bị ảnh hưởng. Khó thở gây mệt mỏi, khó ngủ về đêm.
– Viêm họng, ho dị ứng khiến ăn uống khó khăn, cơ thể mệt mỏi.
– Nóng sốt gây biếng ăn khó ngủ, đau đầu uể oải.
– Viêm amiđan khiến người bị cảm, sốt, nhức đầu, biếng ăn khó ngủ…
Những bệnh đường hô hấp trên nếu không được điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ chuyển sang bệnh đường hô hấp dưới như: viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm xoang…
Ngoài việc khiến sức khỏe giảm sút, chất lượng cuộc sống của bản thân và người thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc điều trị các bệnh này vô cùng tốn kém và kéo dài. Do đó, khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản phổi.
Để đảm bảo bệnh đã chữa khỏi, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tái khám. Thế nhưng, mọi người thường không kiểm tra lại khi thấy bệnh đã giảm. Tuân thủ lịch tái khám là việc rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe.
Để cơ thể vẫn khỏe mạnh “trên từng cây số”
Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện khác thường như: ho, sổ mũi, sốt, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
|
– Nâng cao sức đề kháng bằng cách tiêm phòng (chích ngừa) cúm hằng năm. Nhất là trẻ em và người trên 65 tuổi, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường thở.
– Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng. Nếu có các bệnh, các ổ nhiễm trùng răng miệng nên chữa trị tận gốc để ngăn ngừa vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Răng miệng rất gần các cơ quan hô hấp.
– Tập thể dục thường xuyên.Việc luyện tập giúp cơ thể ấm lên, hoạt động giúp cơ thể tỏa nhiệt và nâng cao sức đề kháng.
– Không để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm lạnh lâu.
– Giữ ấm đúng cách. Trong nhà, nên giữ nhiệt độ vừa phải. Tránh dùng các kiểu lò sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than trong phòng kín vì có thể gây ngộ độc khí CO2.
-Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện khác thường như: ho, sổ mũi, sốt, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
-Khi điều trị nên uống thuốc đúng thời gian được chỉ định để bảo đảm bệnh được trị triệt để.
-Loại bỏ những thói quen xấu có hại như: ngâm mình trong nước lạnh quá lâu, ăn mặc phong phanh khi ra đường, hút thuốc, uống rượu.
NHỮNG THÓI QUEN XẤU TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
– Hút thuốc lá làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất độc ra ngoài được khiến hệ hô hấp dễ bị nhiễm trùng.
– Khi uống rượu, người ta có cảm giác nóng nên thường cởi bớt quần áo… dễ bị nhiễm lạnh, nhiễm trùng phế quản, phổi.
Tư vấn chuyên môn:
BS. Phan Văn Nầy
Khoa Hô Hấp – BV Nguyễn Tri Phương
. THIÊN LAN
Tạp chí Sức Khỏe