Bác sĩ Tô Quang Định, Phòng khám Bác sĩ Gia đình Sài Gòn cho biết, ráy tai là chất tiết của da ống tai ngoài, bao gồm chất bã tiết ra từ nang lông, tế bào da ống tai, lông da ống tai. Tính chất vật lý của ráy tai phụ thuộc vào chủng tộc. Ráy tai có hai loại ướt và khô. Ráy tai ướt sền sệt, có màu vàng nhạt đến vàng nâu, có mùi hơi tanh. Ráy tai khô có màu xám. Bình thường ráy tai bị đẩy ra ngoài lỗ tai do hoạt động của khớp nhai phía trước ống tai.
Ráy tai có nhiệm vụ ngăn chặn bụi, vi nấm, vi trùng xâm nhập vào sâu bên trong ống tai ngoài để gây bệnh. Như vậy ráy tai là chất tiết sinh lý của da ống tai ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ tai và ráy tai sẽ tự đào thải ra ngoài lỗ tai. Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra.
|
Không cho bất cứ vật gì (que bông, móc tai kim loại…) vào sâu trong tai
|
Theo bác sĩ Định, đã có nhiều nghiên cứu về nghe kém gây ra do ráy tai. Có người ráy tai nhiều làm bít ống tai ngoài gây nghe kém ù tai, cần phải lấy ráy tai. Không ít bệnh nhân đến khám vì biến chứng từ nhẹ (nhiễm trùng ống tai) đến nặng (thủng màng nhĩ) do tự lấy ráy tai.
» Lời khuyên khi lấy ráy tai
– Không lấy ráy tai thường xuyên.
– Không tự ý lấy ráy tai.
– Không nhờ người không có chuyên môn y khoa lấy ráy tai.
– Chỉ dùng khăn lau vành tai và lỗ tai, không cho bất cứ vật gì (que bông, móc tai kim loại…) vô sâu trong tai. Khi cần lấy ráy tai, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng là người hiểu biết, có kỹ năng giúp xử lý một cách khoa học.
– Nên tự vệ sinh ống tai bằng cách nhỏ vào tai vài giọt oxy già. Oxy già sẽ sủi bọt, đẩy ráy tai ra ngoài, ta chỉ việc dùng khăn lau sạch lỗ tai. Chỉ nên lấy ráy tối đa 2 lần trong tháng. Lưu ý, sau khi nhỏ oxy già vô tai, bạn sẽ nghe tiếng lép bép trong tai. Tiếng lép bép này là do các bọt khí của oxy già bị vỡ ra, sau 5 phút sẽ hết.