Bí mật từ quả ô-liu

(Sức Khỏe- khoe24h) Ngoài việc cung cấp tinh dầu để làm đẹp, quả ô-liu còn là nguồn dưỡng chất dồi dào mà ít ai biết. Hãy cùng Sức Khỏe khám phá nhiều công dụng của ô liu nhé…

Xuất hiện cách đây khoảng 8.000 năm tại vùng Địa Trung Hải, quả ô liu là loại thực phẩm có lịch sử từ rất lâu đời. Cho đến nay, giá trị dinh dưỡng  của dầu ô liu đã được chứng minh, trong khi đó, nhiều người vẫn chưa biết đến lợi ích thực sự của quả ô-liu. Ô-liu được đánh giá là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, rất tốt cho sức khỏe. Bạn không thể ăn quả ô-liu ngay lập tức sau khi hái, vì chúng cần được xử lý đặc biệt để làm giảm vị đắng.

Phương pháp xử lý tùy theo giống ô liu hoặc theo vùng mà chúng được trồng. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua những quả ô-liu nho nhỏ, xanh xanh khi đi siêu thị nhé.

Nhận dạng quả ô liu
Ô-liu có nhiều loại, từ xanh, nâu đến tím, đen và được bày bán với nhiều phương thức khác nhau như: quả tươi, ngâm, đóng hộp… Có thể thu hoạch ô-liu theo hai cách: hái quả xanh hoặc để chuyển sang màu đen mới hái (quả ô-liu đen ít xơ và đắng hơn). Ô-liu có bốn loại:
Ô-liu Manzanilla:  Còn biết đến với tên gọi ô-liu Tây Ban Nha, đất nước xuất khẩu loại quả này nhiều nhất trên thế giới. Manzanilla được liệt vào hàng top trong các loại quả ô-liu nhờ thu hoạch nhiều và cung cấp nguồn tinh dầu dồi dào. Loại quả này có vị đậm đà nhất trong họ ô-liu và thường được chế biến như một loại thực phẩm ăn chơi.

Ô-liu hojiblanca:  Rất phổ biến tại Tây Ban Nha do có vị hơi giống quả hạnh nhân, cùng chút vị cay nồng như tiêu.
Khi quả chín, bạn sẽ dễ dàng phân biệt do chúng đã chuyển sang màu tím nhạt, khác với màu đen thường thấy ở những giống khác. Ô-liu Hojiblanca cũng được dùng phần nhiều trong công nghiệp sản xuất tinh dầu.

Ô-liu gordal: Còn gọi là hoàng hậu ô-liu do kích thước hơi quá cỡ so với “đồng loại”. Người ta thường thu hoạch ô-liu Gordal khi quả còn xanh và đem ngâm muối. Loại này rất dày cơm và có vị dịu ngọt, không gắt, được sử dụng phần lớn trong việc sản xuất rượu Martini.

Ô-liu Kalamata:  Loại này trồng phổ biến tại Hy Lạp, được dùng như một món ăn chơi và để sản xuất tinh dầu. Quả ô-liu Kalamata chỉ thu hoạch khi đã chuyển sang màu nâu đen. Cũng như giống ô-liu Gordal, Kalamata thuộc loại dày cơm và có vị dịu ngọt.

Thành phần dinh dưỡng của ô liu

Công dụng củ quả ô-liu, xuất xứ quả ô-liu, các loại quả ô-liu, món ăn từ quả ô-liu

  

Quả ô-liu chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm:
Protein, chất béo, các chất carbohydrate, chất xơ, đường.
Muối khoáng, can-xi, sắt, ma-giê, phốt-pho, ka-li, na-tri, kẽm, đồng và selenium.
Các loại vitamin nhóm B (B1, 2, 3, 5, 6) beta-carotene, vitamin E và K.
Cung cấp một lượng thấp các chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa đa, cùng một lượng cao các chất béo không bão hòa đơn.
Các chất ô-xy hóa như polyphenol và lutein.
Bên cạnh đó, quả ô-liu được đánh giá là nguồn cung cấp các a-xít béo omega-3 và omega-6.

Những lợi ích của quả ô-liu 
Quả ô-liu được đánh giá cao do chúng chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, rất có lợi cho cơ thể. Đây là các chất béo có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và làm tăng lượng cholesterol HDL (một loại cholesterol có lợi cho chúng ta trong việc phòng chống bệnh tim mạch).

Cụ thể, chất dinh dưỡng trong quả ô-liu giúp bảo vệ cơ thể, tăng cường sức khỏe như sau:
Bảo vệ hiệu quả các tế bào có nhiệm vụ làm giảm nguy cơ bị thương tổn và chứng sưng viêm.
Làm giảm nguy cơ bị hen suyễn, các chứng bệnh viêm khớp.
Phòng chống bệnh tim và ung thư ruột kết.
Giúp ích cho phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Với khoảng 28g quả ô-liu, tương đương 7 quả lớn, chúng cung cấp cho chúng ta:
Lượng calorie rất thấp, chỉ ở mức 32g và khoảng 3g chất béo.
Lượng đường và cholesterol vô cùng thấp, gần như bằng không.
Khoảng 244mlg na-tri.
Lượng protein không đáng kể.
1g chất xơ.
Một lượng nhỏ vitamin.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn nhấn mạnh đến sự hiện diện của chất chống ô-xy hóa trong quả ô-liu:
Lutein: Có tác dụng tiêu hủy các gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi quá trình lão hóa, cũng như giúp võng mạc khỏe mạnh và cải thiện thị lực.
Polyphenol (flavonoid): Chống lại sự ô-xy hóa của các chất lipoprotein, ngăn ngừa làm tăng lượng cholesterol trong máu. Chất ô-xy hóa này còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, rối loạn mạch máu và ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
Beta-carotene: Làm giảm sự ảnh hưởng của các chất gây ung thư, chống lại nhiều nguy cơ bị ung thư. Chất này giúp người hút thuốc giảm nguy cơ bị bướu phổi, giúp mắt khỏe mạnh và làn da mịn màng hơn. Đồng thời, nó còn giúp răng và xương chắc hơn.

Có rất nhiều cách chế biến món ăn từ quả ô-liu, người ta thường dùng trong các món salad, pizza và thông dụng nhất là dùng như món ăn cho vui miệng. Quả ô-liu rất khó ăn sống do vị đăng đắng của nó.

Thông thường, chúng được ngâm muối hoặc phơi khô hoặc chế biến với thảo mộc và gia vị mới có thể ăn được. Bạn có thể tìm mua các loại ô-liu ngâm tại chợ và siêu thị.

RAU ĐẬU TRỘN Ô-LIU
(Món ăn dành cho bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ)
Giá trị dinh dưỡng: 
Năng lượng: 508 kcal 
Đạm: 24g 
Chất xơ: 21g

Nguyên liệu:
• Đậu đỏ: 100g (½ bát)
• Dưa leo: 130g (1 quả)
• Cà-rốt: 120g (1 củ)
• Hành tây: 80g (½ củ)
• Ô-liu: 4 quả
• Dầu ô-liu: 6g (2 thìa cà-phê)
• Rau mùi (ngò): 3 cây
• Cam tươi: 1 quả
• Muối.

Chuẩn bị
• Đậu đỏ rửa sạch, ngâm nước ấm khoảng 2 giờ, vớt ra, để ráo.
• Dưa leo cắt bỏ 2 đầu, thái lát mỏng, trộn với ½ thìa cà-phê muối, để khoảng 5 phút.
• Cà-rốt, hành tây cắt hạt lựu.
• Quả ô-liu cắt khoanh, rau mùi cắt nhỏ.
• Cam vắt lấy nước.

Thực hiện:
• Cho 2 bát nước với ¼  thìa cà-phê muối vào nồi đun sôi, sau đó cho đậu vào nấu chín mềm khoảng 30 phút.
• Dưa leo vắt nhẹ, bỏ phần nước.
• Hành tây, cà-rốt trụng chín mềm.
• Trộn phần đậu đã nấu chín cùng với dưa leo, hành tây, quả ô-liu, cà-rốt, dầu ô-liu, nước cam, ¼ thìa cà-phê muối, để khoảng 10 phút cho thấm.
• Trang trí rau mùi lên trên, dùng ngay.

 

 

.Ngọc Vũ
Theo Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Kiến thức dinh dưỡng