Bệnh nhân vui tính (Kỳ 2): Nhận diện. Tui!

Bệnh nhân vui tính (Kỳ 2): Nhận diện. Tui!

Kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhau xem thử, bệnh viện có những giải pháp nào để giúp cho người bệnh chúng ta được an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ nhầm lẫn trong cung cấp dịch vụ y tế?

Trong bài kỳ trước, bạn có thể thấy, cơ hội để bác sĩ – điều dưỡng nhầm bạn với những người bệnh khác là rất cao. Kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhau xem thử, bệnh viện có những giải pháp nào để giúp cho người bệnh chúng ta được an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ nhầm lẫn trong cung cấp dịch vụ y tế? Và đương nhiên, bản thân người bệnh chúng ta có thể làm gì, để yên tâm là mình không bị điều dưỡng chích thuốc của người khác cho mình?

Chuyển Ra Giường Cạnh Cửa Sổ Nằm Cho Mát

Hai bố con vừa được chỉ định nhập viện. Mới lên khoa nằm được 2 tiếng đồng hồ. Trời nóng nực kinh khủng. May quá, có một giường còn trống cạnh cửa sổ.

– Ông bố: Này con, mình xin mấy chị cho ra cái giường cạnh cửa sổ nằm cho mát, nằm đây nóng quá.

– Con: Giường trống thì mình cứ nằm đi bố, xin gì, chừng nào họ nói thì mình tính.

Thế rồi người con dìu bố sang giường cạnh cửa sổ. Quả là mát thật. Ông bố thiu thiu ngủ. Người con thấy thế cũng đi xuống siêu thị trong bệnh viện mua thêm một số vật dụng.

Đúng lúc đó, điều dưỡng Linh bước vào phòng, đi thẳng đến giường ông Bố đang nằm và bắt đầu lấy kim, thuốc ra chích.

– ĐD Linh: Bác nằm yên để cháu chích nhé.

– Ông bố (hơi hoảng): Cô ơi, cô chích nhè nhẹ cho nhé.

– ĐD Linh: Dạ, bác yên tâm đi ạ.

– Ông bố (lúc này chợt nhớ hôm trước có đọc bài của Bệnh Nhân Vui Tính, chợt giật mình): Này cô, tôi tên Ban, 61 tuổi, nhà ở Quận 2. Cô chích thuốc gì cho tôi vậy?

– ĐD Linh (giật mình): Ủa, bác không phải là bác Tuấn – nằm ở giường này à?

– Ông bố: Không, không. Tôi là Nguyễn Đức Ban. Lúc nãy tôi thấy giường này mát nên tôi sang đây nằm thôi. Vậy thuốc này đâu phải thuốc của tôi?

– ĐD Linh: Trời ơi, lần sau bác đừng tự ý đổi giường nhé. Lỡ cháu chích nhầm thuốc của bác Tuấn cho bác thì có phải là nguy hiểm không.

– Ông bố: Thôi thôi, thế thì tôi về giường tôi nằm cho chắc.

Tiếp tục câu chuyện

Vòng đeo tay để làm gì?

– Ông Bố: Con, hồi nãy, lúc đi mua đồ, mém nữa là bố bị y tá chích nhầm do nằm giường bên kia đấy. Rồi cô y tá đeo cho bố cái vòng này, nhìn kỳ muốn chết.

– Con: May quá, thôi bố nằm nghỉ đi. Bố thấy khó chịu thì tháo cái vòng ra, treo lên cây dịch truyền giữa 2 giường. Ông bác giường bên cũng treo lên đây này.

– Ông Bố: Ừ, con treo lên cho bố.

Đến giờ Điều Dưỡng đi đo huyết áp.

– Con: Bố đeo vòng vào đi, đến giờ y tá khám bệnh đó.

– Ông Bố: Ừ, con với tay lấy vòng đeo cho Bố …

– ĐD Hồng: bác ơi Bác tên gì ạ?

– Ông Bố: tôi tên Ban

– ĐD Hồng: Bác Ban tối qua ngủ ngon không ạ?

Hỏi rồi cô điều dưỡng Hồng cầm tay ông Bố để xem thông tin trên vòng.

– ĐD Hồng: Ủa, bác là Bác Ban hay Bác Tuấn ạ?

– Ông Bố: Tôi là Ban, chứ Tuấn thế nào được?

– ĐD Hồng: Thì trên vòng đeo tay của bác, ghi là Trần Văn Tuấn, 55 tuổi đây này.

– Ông Bố: Ôi thôi chết, vậy vòng này là vòng của ông bên cạnh. Đêm qua thấy vướng quá, bọn tôi tháo ra cho thoải mái. Sáng nay vội quá nên… đeo nhầm.

– ĐD Hồng: Bác ơi, Bệnh viện dùng vòng đeo tay này để tránh nhầm lẫn khi chăm sóc cho các bác. Đặc biệt là những thời điểm các bác đi mổ, phải gây mê hoặc có sự cố gì đó mà bác không thể trả lời nhân viên y tế được. Thì chúng cháu vẫn biết bác là ai, thông tin bệnh tình thế nào để chăm sóc tốt nhất cho bác. Bác lưu ý giúp cháu, đừng tháo vòng ra nữa nhé.

 Hiện nay, trong các bệnh viện ở Việt Nam, việc xác định người bệnh chủ yếu thông qua các thông tin: tên, tuổi, địa chỉ, mã số hồ sơ (mã y tế). Nhiều bệnh viện đã tiến hành đưa các thông tin này lên vòng đeo tay để hỗ trợ nhân viên y tế nhận diện đúng người bệnh.

Tuy nhiên, ở Anh, trong thời gian đầu sử dụng  vòng đeo tay, người ta phát hiện ra nguyên nhân phát sinh 10% số trường hợp nhận dạng sai người bệnh là do: đeo vòng nhầm người bệnh, do in đi in lại tên trên vòng nhiều lần, do mất vòng.

Ở Mỹ, trong nhiều năm trước, những dịch vụ sau được phát hiện nhầm người bệnh nhiều nhất:

1. Chẩn đoán hình ảnh

2. Cho thuốc

3. Xét nghiệm

Tại Việt Nam, Bộ Y Tế đã đưa việc xác định đúng  người bệnh thành tiêu chí riêng biệt trong 83 Tiêu Chí Chất Lượng Bệnh Viện (để xác định mức chất lượng của một bệnh viện). Trong đó, có tiêu chí D2.4: bảo đảm xác định chính xác người bệnh khi cung cấp dịch vụ.

Theo chuẩn chất lượng bệnh viện hàng đầu thế giới JCI – của Mỹ, thì Mục Tiêu An Toàn Quốc Tế số 1 chính là Nhận diện đúng người bệnh: “Người bệnh được nhận diện đúng trước khi nhân viên y tế cung cấp các dịch vụ”, kèm theo thông tin cảnh báo “không sử dụng số phòng, số giường làm thông tin để nhận diện”.

Do vậy, nếu bạn đi khám và điều trị ở Bệnh viện  nào, mà nhân viên y tế không thực hiện hoạt động nhận diện người bệnh trước khi cung cấp dịch vụ, có nghĩa là Bệnh viện chưa an toàn – chưa chất lượng.

Theo Tạp chí Sức khỏe – Khoe24h.vn

 

Posted in: Bệnh