(Sức Khỏe – khoe24h) Nhược cơ là một bệnh về rối loạn thần kinh cơ, đặc trưng bởi tình trạng yếu và mỏi cơ. Tình trạng yếu cơ thay đổi và xảy ra với một số cơ chủ động, nhất là các cơ kích thích bởi các tế bào thần kinh vận động.
Bệnh khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp ở độ tuổi 20-30 (với phụ nữ) và trên 50 (với nam), và có 10% trẻ dưới 10 tuổi. Số bệnh nhân có u tuyến ức phổ biến ở tuổi 40-50. Đa số trường hợp bệnh khởi phát âm thầm, chỉ một số ít phát triển rất nhanh. Có thể khởi phát sau một stress hay bệnh nhiễm trùng (thường là nhiễm trùng hô hấp); khi có thai hoặc khi gây mê.
|
Diễn tiến của bệnh nhược cơ khác nhau ở mỗi người. Người bệnh nên đi khám để được điều trị đúng cách, kịp thời. |
Nhược cơ nhìn từ Đông y
Theo Đông y, bệnh nhược cơ thuộc phạm trù Nuy chứng, có liên quan đến cơ nhục và thần kinh vận động, liên quan đến hai tạng: tạng Tỳ (chủ sinh ra cơ nhục) và tạng Can (chủ cân, chủ vận động).
Nuy chứng chỉ chứng bệnh gân mạch chân tay, toàn thân lỏng lẻo, mềm yếu vô lực, lâu ngày không vận động được, dẫn đến cơ thịt bị teo. Theo sách Hoàng đế Nội kinh, Nuy chứng được chia làm 5 loại: mạch nuy, can nuy, nhục nuy, phế nuy, cốt nuy.
Nuy luận thiên trong Hoàng đế Nội kinh (Tố vấn) cho rằng: Tỳ khí nhiệt thì vị khô mà khát, cơ nhục bất nhân (không vận động được) thành chứng nhục nuy. Vì lưu trú ở nơi ẩm thấp khiến thấp khí thấm vào trong cơ nhục thành tý mà bất nhân, do đó gây chứng nhục nuy. Thế nên: Nhục nuy gây nên do thấp.
Khi chức năng tạng Tỳ bị rối loạn, sẽ có những triệu chứng: Thân thể nặng nề, hay ăn mau đói, chân tay vô lực hoặc gân mạch co rút, bắp chân đau nhức là tỳ thực; trong bụng đầy chướng, đi ngoài phân sống là hư chứng.
Khi chức năng tạng Can bị rối loạn, sẽ có triệu chứng: hai mạn sườn đau nhức kéo chằng xuống bụng dưới, người giận dữ cáu gắt là thực chứng. Mắt mờ, tai kém, sợ hãi vô cớ, đau đỉnh đầu, hai má sưng nề, gân cơ tay chân mềm yếu là hư chứng.
Tỳ vị vốn hư nhược hoặc hư do bệnh, công năng thu nạp vận hóa bất thường, nguồn tân dịch khí huyết thiếu, gân mạch cơ bắp không được nuôi dưỡng nên sinh nuy chứng. Can thận hư nhược: Bệnh lâu người yếu, thận tinh không đủ, can huyết hư tổn, gân cốt mất dinh dưỡng, kinh mạch không nhu nhuận, gây nên nuy chứng.
Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh cho rằng: “Âm huyết hư sinh nhiệt ở trong, làm gân bị giãn, tay chân mềm yếu”.
Một số bài thuốc chữa nhược cơ
Dưới đây là một số bài thuốc chữa nhược cơ:
– Đông y chủ yếu dùng bài thuốc Bổ trung ích khí gia giảm: Đảng sâm 16g, Hoàng kỳ 20g, Đương quy 12g, Bạch truật 12g, Sài hồ 8g, Thăng ma 6g, Trần bì 6g, Cam thảo (chích) 4g, Đại táo 2 quả, gừng nướng 2 lát. Gia thêm: Ý dĩ 16g; Chỉ xác, Bạch cương tàm, Sơn thù nhục, Thỏ ty tử (mỗi vị 10g); Sơn dược, Câu kỷ tử, Đỗ trọng, Ngưu tất, Ba kích (mỗi vị 12g).
|
Bệnh nhân mắc chứng nhược cơ có thể tham khảo một số bài thuốc Đông y (Hình chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh internet
|
Cách dùng: Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2-3 lần uống, mỗi ngày 1 thang, 10 thang là một liệu trình. Cách 2-3 ngày giữa các liệu trình rồi tiếp tục liệu trình kế.
Công dụng: Bổ tỳ vị, sinh cơ nhục, mạnh gân cơ, tăng cường khí lực vận động.
– Bài thuốc Sâm linh bạch truật tán: Bạch truật 8g, Biển đậu 8g, Cát cánh 8g, Chích thảo 4g, Hạt sen 8g, Nhân sâm 8g, Phục linh 12g, Sa nhân 8g, Sơn dược 8g, Ý dĩ 12g. Sắc, chia 2 lần uống. (Có bài dùng Trần bì hoặc gia thêm Đại táo).
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8-12g với nước sôi để nguội hoặc làm thuốc thang sắc nước uống.
Công dụng: Bổ khí kiện tỳ, thẩm thấp hòa vị, lý khí hóa đàm.
Chủ trị các chứng: Các chi mềm nhũn, hoặc hơi cứng, tê dại, thường ở chân, hoặc có sốt, tiểu tiện vàng rắt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu hoặc sác.
– Trường hợp thể đàm thấp gây ứ trệ kinh lạc, có chứng trạng: Mi mắt sụp, màng ngực chướng bí, ho đàm nhiều, váng đầu, tim hồi hộp, buồn nôn, nôn mửa, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch hoạt. Dùng bài thuốc Đạo đàm thang gia giảm: Bán hạ 9g, Thiên ma tinh 9g, Chỉ thực 9g, Trần bì 6g, Phục linh 9g, Bạch truật 9g, Thăng ma 6g, Sài hồ 6g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống trước bữa ăn.
Tác dụng: Hóa đàm thông lạc, tăng cường khí lực gân cơ mi mắt.
– Bài thuốc Nam chữa nhược cơ: Rễ đinh lăng 16g, Khoai mài 16g, Hạt sen 16g, Đậu ván 12g, Hậu phác 10g, Hà thủ ô (chế) 16g, lá và thân cây ngấy hương 16g, Củ riềng 10g, Sâm bố chính 16g, Đại táo 10g, Gừng tươi 6g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia uống ngày 3 lần.
Công dụng: Bổ tỳ, tăng sức lực cho cơ nhục. Dùng 15-20 ngày.
– Rượu thuốc chữa nhược cơ: Đảng sâm, Hà thủ ô (chế), Rễ đinh lăng, Hoài sơn, Ý dĩ, Đậu ván, Ngũ gia bì, Ngũ vị tử, Ba kích, Kê huyết đằng, Cành dâu, Đại táo, mỗi vị 20g. Tất cả sao thơm, cho vào bình sứ hoặc bình thủy tinh, đổ ngập rượu tốt, trên 400. Ngâm 20 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ.
Công dụng: Bổ tỳ, ích vị, sinh cơ, mạnh gân cốt. Có ích cho người tỳ hư, ăn uống kém, tay chân không có lực, cơ bắp yếu mềm.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu,TP. HCM
Tạp chí Sức Khỏe