Ăn khuya có làm cơ thể béo phì?

Ăn khuya, ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại của chốn thị thành.Có người ăn khuya vì cần thiết, có người chỉ vì thèm, thích… Thật ra, ăn khuya sẽ tốt nếu đó là nhu cầu chính đáng, nhưng là “bạn xấu”nếu chúng ta lạm dụng.

Chúng ta thường nghe nói: “Ăn sáng như vua, ăn trưa như hoàng tử và ăn tối như kẻ ăn mày” hoặc “sáng ăn cho mình, trưa ăn cho bạn, tối ăn cho kẻ thù”. Mỗi bữa ăn đều có vai trò riêng của nó. Những câu nói này có ý nghĩa, ăn sáng đầy đủ để cung cấp năng lượng cho cả một ngày làm việc, ăn trưa chỉ cần vừa phải và bữa tối nếu ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe, gây bệnh béo phì.

Không ăn đêm là tốt nhất, nhưng nếu vì công việc mà phải nạp thêm năng lượng, bạn chỉ nên dùng những món nhẹ, dễ tiêu hóa. Hãy xem ăn khuya chỉ như là thủ tục.

Ăn khuya – cần thiết cho người “sống về đêm”


Ăn khuya có gây ra béo phì không, có nên ăn khuya không, lợi ích của việc ăn khuya, ăn khuya có hại cho sức khỏe không, những điều lưu ý khi ăn khuya
Ảnh minh họa.

Cuộc sống đô thị ngày càng phát triển, các hoạt động về khuya cũng ngày càng nhộn nhịp theo, nhất là các tụ điểm vui chơi, giải trí, quán ăn… Những nơi này đáp ứng nhu cầu xả stress của nhiều người sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng.

Với những người thường đi chơi khuya hoặc làm việc vào ban đêm (đa số hoạt động trong ngành giải trí) như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC, người làm việc trong các hàng quán, vũ trường, tụ điểm ca nhạc, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, chợ đêm, công nhân vệ sinh môi trường… cơ thể có sự thay đổi về nhịp sinh học. Họ phải lấy đêm làm ngày, do đó không tránh khỏi mệt mỏi và tiêu hao nhiều năng lượng nên ăn khuya là rất cần thiết. Đây được xem là bữa ăn bổ sung nên có cho người “sống về đêm”.

Ở những trường hợp cần tiếp thêm năng lượng để hoạt động thì ăn khuya rất có lợi cho cơ thể.

Cách ăn khuya hiệu quả

Ăn khuya có gây ra béo phì không, có nên ăn khuya không, lợi ích của việc ăn khuya, ăn khuya có hại cho sức khỏe không, những điều lưu ý khi ăn khuya

Ăn khuya cần phải vừa đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể làm việc, vừa không là nguyên nhân gây béo phì.

 

Trong ngày, theo phân bố thời điểm ăn lý tưởng, cứ 3-4 giờ, ta cần có một bữa ăn để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Thông thường, ăn sáng lúc khoảng 6-7 giờ, bữa trưa lúc 11-12 giờ, ăn tối lúc 18- 19 giờ. Như vậy, nếu làm việc đến hơn 22 giờ đêm, cơ thể cần được bổ sung năng lượng để tiếp tục hoạt động hiệu quả. Và ruột cũng không bị cồn cào khi ngủ.

Ăn khuya cần phải vừa đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể làm việc, vừa không là nguyên nhân gây béo phì. Chúng ta nên ăn khuya bằng tô mì gõ, tô phở hấp dẫn hay một bữa thịnh soạn với đủ các món  chiên, xào, hấp, luộc? Hoặc chỉ cần nhấm nháp một chút trước khi ngủ hay là “bữa cho ra trò”?
Thật ra, ăn khuya dù thế nào cũng chỉ là một bữa ăn nhẹ được bổ sung sau những bữa chính (sáng – trưa – chiều). Do đó, dù bữa ăn khuya là cần thiết nhưng để đảm bảo chỉ có lợi cho cơ thể, chúng ta cũng không nên ăn quá “sang trọng và hoành tráng”.

Bình thường, bộ máy sinh học của con người hoạt động theo quy luật “ngày làm – đêm nghỉ”. Bữa ăn khuya thường cận kề với giấc ngủ, lúc này cơ thể cần được nghỉ ngơi nên các cơ quan bên trong chúng  ta cũng  vậy. Do đó, chúng ta chỉ nên dùng những món nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như: sữa, súp, cháo nóng, rau hầm, cá, ngũ cốc… Món ăn phải được nấu chín kỹ. Không  ăn những  thực phẩm khó tiêu như: thịt, chocolate, thực phẩm cay, món có dầu mỡ, bia, rượu.

Lưu ý: Làm việc khuya, bụng đói nhất thiết nên ăn một chút gì đó, dù chỉ là một vài chiếc bánh quy hay uống ly sữa. Không nên vì bất kỳ lý do gì mà để bụng đói kéo dài, sẽ bị đau dạ dày về sau.

Thèm ăn khuya – nguy cơ béo phì

Ăn khuya có gây ra béo phì không, có nên ăn khuya không, lợi ích của việc ăn khuya, ăn khuya có hại cho sức khỏe không, những điều lưu ý khi ăn khuya
Nếu ăn khuya chỉ vì thói quen, thèm ăn, do buồn chán chẳng biết làm gì bèn đi “lục nồi” là vô cùng tai hại.

Ăn khuya có lợi cho cơ thể chỉ đối với những trường hợp thường xuyên hoạt động về đêm. Ngược lại, nếu ăn khuya chỉ vì thói quen, thèm ăn, do buồn chán chẳng biết làm gì bèn đi “lục nồi” là vô cùng tai hại. Vì hành động này chính là nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức không tốt cho dạ dày. Khi cơ thể không tiêu hóa kịp thức ăn, sẽ gây ra tình trạng tích lũy năng lượng dạng mỡ, nguyên nhân của tăng cân, béo phì – một căn bệnh đang báo động.

Ngoài ra, ăn khuya là phương pháp làm giãn dạ dày, một giải pháp tăng cân cho người “ốm o gầy còm”. Do vậy, nếu không phải vì làm việc ban đêm, cần thiết để bổ sung năng lượng cho cơ thể mà cũng ăn khuya là bạn đang tự làm hại bản thân mình, vì lâu dần sẽ trở thành thói quen khó bỏ. Thói quen này dễ nhanh khiến người ta béo phì, là khởi nguồn của rất nhiều hệ lụy và bệnh tật trong cuộc sống.

Đối với trẻ em, tuyệt đối không nên tập ăn khuya vì trong nhiều trường hợp sẽ không tốt cho sự phát triển của cơ thể. Bên cạnh đó, ăn khuya lại hình thành thói quen rất khó thay đổi do cha mẹ thường hay chiều theo ý trẻ, để chúng ăn thỏa thích. Hậu quả: trẻ như những “thùng phuy di động”. Bên cạnh những nguy cơ về sức khỏe, trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học hành…

5 cách từ bỏ việc ăn khuya   
Khi hình thành thói quen ăn khuya sẽ khó từ bỏ, 5 cách sau đây sẽ giúp bạn rất hiệu quả:
– Chắc chắn ăn ba bữa chính trong ngày, cần cung cấp đầy đủ lượng calorie trước 7 giờ tối.
– Ăn khuya có thể tránh được nếu các thức ăn như mì gói, bánh… được đặt ngoài tầm ngắm của bạn. Tốt nhất là không nên mua chúng.
– Khi cảm thấy muốn ăn khuya, bạn hãy uống nước. Bạn cũng có thể dùng một tách trà thảo mộc cùng với mật ong hoặc đường nhân tạo. Thức uống nóng sẽ làm dịu cảm giác thèm ăn.
– Tự động viên. Nhắc nhở mình sẽ giảm 8-10kg và chìa khóa để giảm cân là ngừng ăn khuya.
– Nhiều người đã thành công trong việc từ bỏ thói quen ăn khuya chỉ đơn giản bằng việc đánh răng. Phương pháp này được rất nhiều người áp dụng.

 

BS. Dinh dưỡng Đào Thị Yến Thủy
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Kiến thức dinh dưỡng