Lĩnh vực thẩm mỹ hiện bao gồm thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) và thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ không phẫu thuật). Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam chứng kiến sự lên ngôi cũng như phát triển mạnh mẽ của thẩm mỹ nội khoa. Điều này giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận với các công nghệ làm đẹp mới, tuy nhiên lựa chọn phương pháp thẩm mỹ nội khoa nào là không phải dễ dàng, vì người tiêu dùng chưa hiểu rõ về tác dụng của các công nghệ này, dẫn tới lựa chọn sai phương pháp cũng như không đạt kỳ vọng trong điều trị.
Laser
Laser trong thập niên vừa qua là bước tiến nổi bật nhất của chuyên khoa da liễu trong lĩnh vực thẩm mỹ. Laser là loại ánh sáng có cường độ cao, bước sóng chọn lọc và mang theo năng lượng rất lớn. Các loại tia laser khác nhau khi tiếp xúc với da sẽ có đích đến cũng như tác dụng khác nhau. Người ta phân biệt các loại laser khác nhau dựa vào bước sóng của laser cũng như dựa vào vật thể màu mục tiêu của laser. Các vật thể màu mục tiêu của laser bao gồm: nước, sắc tố màu đen (melamin), mạch máu (hemoglobin).
- Laser có đích tác dụng là nước sẽ làm nước bốc hơi, được dùng để đốt các thương tổn trên bề mặt như mụn cóc, nốt ruồi, tàn nhang, các loại u lành trên da. Chế độ phát tia Fractional sẽ có tác dụng trong điều trị tái tạo da, trị sẹo mụn, rạn da, trẻ hóa da. Loại laser này có đại diện thường gặp là Laser CO2 (10600nm). Đặc điểm của loại laser này là khách hàng phải có thời gian nghỉ dưỡng dài sau điều trị.
- Laser có đích tác dụng là melamin sẽ có tác dụng trong điều trị các vấn đề về sắc tố màu đen của da như các bớt sắc tố, nám, tàn nhang, tăng sắc tố sau viêm… và có tác dụng trẻ hóa da nhưng không cần phải nghỉ dưỡng. Đại diện điển hình của loại laser này là Laser ND:YAG (1064nm). Đây là loại laser tiêu chuẩn vàng trong điều trị tái tạo da.
- Laser có đích tác dụng là hemoglobin có tác dụng trong điều trị các thương tổn mạch máu như các loại bướu máu, bớt rượu vang, tình trạng giãn mao mạch trên da. Laser màu Pulsed dye laser (585 – 595nm) là đại diện điển hình của loại laser này.
Ánh sáng
Nổi bật nhất trong lĩnh vực làm đẹp của các thiết bị ánh sáng chính là IPL (Intense pulse light) và công nghệ đèn LED.
- IPL: là một dãy ánh sáng có bước sóng từ 400 – 1200nm. IPL được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: triệt lông, điều trị giãn mao mạch, điều trị mụn, trẻ hóa da… Với mỗi mục đích khác nhau sẽ có kính lọc chuyên biệt để tia phát ra đúng bước sóng như mong muốn.
- LED: Được ứng dụng trong việc điều trị mụn và trẻ hóa da (ánh sáng xanh, đỏ).
Lăn kim
Lăn kim là một biện pháp được ứng dụng từ rất lâu trong việc điều trị sẹo mụn, rạn da cũng như trẻ hóa da. Phương pháp này có thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn sử dụng laser CO2 Fractional. Do đó những khách hàng không thể nghỉ dưỡng nhiều có thể sử dụng phương pháp này để điều trị tái tạo da.
Trong phương pháp này người ta có thể sử dụng cây lăn tay (derma roller) hay bút lăn kim máy (derma pen) để điều trị. Bút lăn kim máy giúp điều trị đạt hiệu quả cao hơn cũng như giảm đau khi điều trị.
Ngoài ra việc kết hợp với huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong quá trình lăn kim cũng giúp vết thương lành tốt hơn, hiệu quả điều trị cao hơn lăn kim đơn thuần.
Sóng điện từ
Sóng điện từ (RF) được sử dụng trong việc kích thích tạo collagen giúp da săn chắc. Người ta chia ra làm 2 loại chính RF đơn cực và RF đa cực. RF được sử dụng chủ yếu để điều trị tình trạng da chảy xệ bằng cách làm tăng độ săn chắc cho khuôn mặt và thích hợp nhất cho những khách hàng chảy xệ nhẹ đến trung bình ở cơ mặt, thường là do những người trong độ tuổi 30-50, với bất kỳ màu da nào. RF thường được ứng dụng để điều trị ở vùng trán (nâng cung mày), dưới mắt, má và cổ (săn chắc làn da và làm giảm nếp nhăn ở cổ). Tuy nhiên, nếu tình trạng da chảy xệ quá nhiều, diện tích da thừa lớn hoặc bị chùn xuống, thường thấy ở những bệnh nhân lớn tuổi thì phương pháp này có thể không cho kết quả cải thiện đáng kể. Khi đó cần kết hợp thêm các phương pháp khác để đạt hiệu quả tối ưu.
Sóng siêu âm
Sóng siêu âm hội tụ (MFU) là công nghệ sử dụng sóng siêu âm cường độ cao tạo ra tác động nhiệt sâu không xâm lấn vào lớp cân cơ và lớp collagen. Lớp cân cơ là phần cấu trúc giúp nâng da và các đường nét trên gương mặt; trong khi lớp collagen lại quyết định đến sự săn chắc và mịn màng của làn da. Khi tác động MFU, nhiệt sẽ được tạo thành bên dưới da mà không gây tổn thương bề mặt da, chính tác động nhiệt sẽ tạo cơ chế săn và nâng da ngay tức thì sau điều trị. Cũng như các công nghệ trẻ hóa da không xâm lấn khác, da sẽ cần ít nhất 4 tuần để hồi phục và các sợi collagen vẫn sẽ tiếp tục tăng sinh đồng thời làm đầy các nếp nhăn, hiệu quả duy trì nhiều tháng sau đó.
Chất làm đầy
Chất làm đầy (Filler) là các hoạt chất tổng hợp được dùng để thay thế hoặc tăng thể tích mô bị mất do chấn thương, phẫu thuật, lão hoá da hoặc để cải thiện đường nét thẩm mỹ trên khuôn mặt. Các chỉ định thường gặp như: nâng mũi, độn cằm, tiêm đầy môi, rãnh mũi má, hõm mắt… Quá trình tiêm chất làm đầy diễn ra nhanh chóng, ít đau (kem tê thường được sử dụng để giảm cảm giác đau), hiệu quả thấy ngay sau khi thực hiện và giữ được từ 6 tháng đến 2 năm (với loại chất làm đầy tạm thời). Đây là ưu điểm vượt trội của việc tiêm chất làm đầy so với các phương pháp trẻ hoá khác. Biến chứng có thể gặp khi tiêm chất làm đầy bao gồm: bầm tím, sưng nơi tiêm, nổi mụn, đỏ da, châm chích, tắc mạch máu, áp xe, hoại tử vùng tiêm… Hiện nay chất làm đầy có thành phần Hyaluronic Acid được sử dụng rộng rãi nhất.
Botulinum toxin A
Botulinum Toxin nhóm A là một loại protein tinh chế được tạo ra từ ngoại độc tố do vi khuẩn kị khí Clostridium botulinum. Botulinum toxin A như loại tinh chất thư giãn cơ được sử dụng trong điều trị vết nhăn do cử động như cau mày, nhăn trái, đuôi mắt… Sau khi tiêm, Botulinum toxin A lan toả vào mô, ức chế sự phóng thích acetylcholin (chất dẫn truyền kích thích thần kinh – cơ) gây thư giãn cơ, liệt cơ. Khi cơ mặt được thư giãn, khách hàng sẽ nhận thấy hiệu quả qua việc mờ dần các nếp nhăn. Điều trị Botulinum toxin A với bác sĩ có chuyên môn là một thủ thuật mang lại sự hài lòng rất cao cũng như nguy cơ biến chứng vô cùng thấp. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng kỹ thuật có thể gây sụp mí, lộn mí, nuốt khó…
Căng da mặt bằng chỉ
Phương pháp căng da mặt bằng chỉ sử dụng loại chỉ đặc biệt có thành phần là PDO (Polydioxanone) hoặc PCL (Polycaprolacton) để đưa vào da nhằm mục đích kéo căng da mặt, giảm chảy xệ cho mặt, nâng cung mày, thon gọn khuôn mặt, cũng như có thể dùng trong tạo hình cơ thể. Các loại chỉ này có thời gian tồn tại từ 6 tháng đến 2 năm. Điều trị bằng chỉ phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề bác sĩ và trong một số trường hợp, phương pháp này cần thời gian nghỉ dưỡng dài từ 1-2 tuần.
Các phương pháp thẩm mỹ nội khoa có ưu điểm so với các phương pháp thẩm mỹ ngoại khoa là chi phí thấp, không cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng, hiệu quả tức thì, không cần phải gây mê trong quá trình điều trị. Tuy nhiên hiệu quả của một số phương pháp là có giới hạn, khách hàng cần được tư vấn kỹ càng trước khi thực hiện các phương pháp này. |
ThS. BS Nguyễn Duy Hải
Phòng khám Thẩm mỹ Da liễu Duy Hải
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn