Tấm lòng người nhà quê

Tấm lòng người nhà quê

(Sức Khỏe – khoe24h) Anh đi bộ 4 cây số mới tới được chỗ tôi. Bộ quần áo lem luốc sình lầy, tay vịn buồng chuối, tay quệt mồ hôi, anh nói rằng muốn biếu tôi chút đồ nhà vườn thay cho lời cảm ơn…

Đó là một trong những kỷ niệm đẹp mà tôi không thể nào quên khi công tác ở mảnh đất được xem là “nhà quê” của Sài Gòn ở thời điểm gần 20 năm trước. Bây giờ, nó đã là bệnh viện của một quận. Hồi mới chuyển về đây, lòng tôi buồn vô hạn. Mẹ và bà xã động viên nhiều lắm, tôi mới nguôi ngoai phần nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện ngược: Bỏ phố về quêLúc đầu, tôi cứ nghĩ vẩn vơ, về đây là… phí công 7 năm đèn sách của mình, về cái nơi khỉ ho cò gáy này thì làm sao phát triển nghề nghiệp. Nhưng ngặt nỗi, nếu tiếp tục bám lại thành phố thì cả nhà bốn miệng ăn của tôi sẽ như thế nào? Tôi không thể tiếp tục cảnh được làm việc tại bệnh viện lớn nhất nhì thành phố, với lượng bệnh nhân mỗi ngày đông nghẹt mà lại không có một đồng lương.

Đứng trước áp lực cuộc sống hằng ngày, tôi buộc phải chọn lựa, cuối cùng đành khăn gói về một trung tâm y tế xa tít mù khơi của thành phố. Lúc mới tới đây, quen nếp sống ở thành phố, phải suy nghĩ trước sau khi nói chuyện để vừa lòng nhau, tôi hơi ngỡ ngàng với việc cư xử của người “vùng quê”, họ nghĩ trong bụng thế nào nói toạc ra thế ấy, đôi lúc sự thật làm tôi nản lòng. Vợ tôi là phụ nữ nên cảm nhận theo cách khác: “Người dân vùng quê thường rất thật thà chất phác, bụng nghĩ như thế nào, họ thể hiện bằng miệng thế ấy. Mình có tấm lòng giúp đỡ họ thật sự thì họ sẽ nhận ra, tin tưởng mình và đối xử với mình theo cách khác”. Nghe lời vợ nói, tôi hơi băn khoăn, chưa thật sự tin tưởng.

Vợ giúp tôi lấy lòng tin của người dân

Có lẽ vợ tôi nhận xét đúng, vì trước đây, rất nhiều bác sĩ cũng như tôi không chịu nổi cuộc sống bon chen nơi thành thị, bỏ về vùng nông thôn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, họ không chịu nổi đành “bỏ của chạy lấy người”, trở lại chốn đô thành. Nên khi tôi đến, những người dân ở đây cũng không hào hứng, họ không tin rằng tôi sẽ ở lại cái chốn hẻo lánh này. Chính vì vậy, khi có bệnh, họ vẫn thường dùng lá cây này, cây kia để tự chữa bệnh cho mình.

Cuối cùng, sự bám trụ của tôi trở thành câu chuyện của họ. Không chỉ có tôi mà còn có vợ tôi. Cô ấy trước đây vốn là thư ký của một công ty lương thực, thực phẩm lớn ở thành phố. Với vốn ngoại ngữ lưu loát, cô ấy rất dễ dàng tiến thân nhanh hơn tôi nếu trụ lại thành phố. Thế nhưng vợ tôi đã bỏ ngoài tai lời thuyết phục của nhiều người, quyết định học trung cấp dược. Là người thông minh nên cô ấy nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của tôi. Cứ thế, mỗi ngày, bệnh nhân đến với tôi nhiều hơn nhờ sự dịu dàng, ân cần của cô ấy. Nhờ vợ, tôi không còn giữ khư khư bộ mặt lạnh lùng của ông bác sĩ Sài Gòn. Tôi niềm nở hơn với bệnh nhân. Ngoài chuyện khám chữa bệnh, tôi còn hỏi han thêm về gia cảnh, lắng nghe tâm sự của họ khi họ thật sự cần tôi.

Tấm lòng chân thành của bác sĩ chính là chiếc cầu nối giữa bác sĩ - bệnh nhân (Ảnh Internet)
Tấm lòng chân thành của bác sĩ chính là chiếc cầu nối giữa bác sĩ – bệnh nhân (Ảnh Internet)

Tôi yêu con người và mảnh đất nàySau một thời gian, những điều tưởng chừng như rất khó nhưng cuối cùng hóa ra lại rất dễ dàng, khoảng cách giữa tôi và người dân dần dần không còn ranh giới. Họ không mang bác sĩ ra dọa trẻ con mỗi khi chúng không ngoan mà ngược lại, họ dạy con cháu lấy gương bác sĩ mà noi theo để học hành. Điều này làm tôi rất hạnh phúc. Có lẽ ở chốn thành thị kia, cả đời tôi cũng không thể nào có được cảm giác đó.

Được bà con thương mến, ngoài hạnh phúc cũng có cái khổ. Trước đây, tôi không biết uống rượu hay hút thuốc lá. Nhưng giờ, tửu lượng của tôi cũng “lên đô” nhiều. Bởi vì người dân quý nên đi đâu, làm gì, họ cũng mời. Từ chối, bà con buồn, mình cũng ngại, nên cũng tập tành chút ít để đáp lễ. Thế nhưng, đó không phải là điều duy nhất mà người dân thể hiện sự quý mến của họ.

Cách đây khoảng mười năm, lúc đó khoảng 3-4 giờ sáng, tôi đang ngủ thì nghe tiếng động phát ra từ hướng gian nhà trước. Tôi bèn bật đèn, ra mở cửa, thấy có một anh đang ngồi co ro trước hiên nhà. Nhìn thấy tôi, anh mừng ra mặt. Anh nói: “Vì lúc chiều ăn cơm mà nhà hết bình sạc, không có đèn nên tôi không thấy cái xương cá. Nuốt vào rồi nó lại vướng ở cổ họng, đau quá không sao ngủ được nên đành lội xuồng ra nhờ bác sĩ cứu”.

Sau một hồi hì hục với cái xương cá, tôi cũng gắp nó ra được. Anh chàng mừng như vừa chết đi sống lại. Vì nghĩ không đáng gì nên tôi cũng mau quên. Nào ngờ, hễ có dịp đi ngang qua nhà tôi, anh thỉnh thoảng lại biếu con cá lóc đồng, khi thì buồng chuối. Nhà có giỗ, anh chèo xuồng ra rước tôi vào tận nơi. Giữa đám đông, anh kể đi kể lại hoài câu chuyện cái xương làm tôi… phát ngại.

Giờ vùng quê này không còn được như xưa nữa. Không phải vì con người thay đổi, họ vẫn vậy, hiền hòa và chất phác, chỉ có điều các khu công nghiệp đổ dồn về khiến không gian trở nên chật chội hơn, không khí không còn trong lành như trước. Nhưng tôi vẫn yêu cuộc sống ở vùng quê này, nơi tôi ngày ngày cống hiến hết sức mình mà không phải suy tư.

Theo lời kể của BS. Lê Cảnh Châu Sa
H. Châu (ghi)

Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Bạn cần biết