Khái niệm Chính – Tà trong Y học cổ truyền

Theo WHO “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hoặc tàn phế“. Tương đồng với quan điểm trên, Y học cổ truyền (YHCT) cho rằng tình trạng khỏe mạnh là sự cân bằng và điều hòa trong mối quan hệ không chỉ của các cơ quan tạng phủ cùng các hệ thống khác nhau bên trong cơ thể, mà còn giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Khi mối quan hệ nhiều mặt này bị phá vỡ, bệnh tật sinh ra. Và điều trị bệnh là tái lập lại cân bằng “động” và “toàn thể” này của cơ thể.

Trong cơ thể khỏe mạnh, cơ chế tự động điều chỉnh sẽ điều hòa các quá trình sống khác nhau và thích nghi với những thay đổi của môi trường giữa bên trong và bên ngoài cơ thể, YHCT gọi đây là Chính khí, có thể hiểu là sức đề kháng, khả năng thích ứng và phản ứng của cơ thể đối với mọi nguyên nhân tác động. Khi các yếu tố gây bệnh – YHCT gọi là Tà khí – vượt quá khả năng điều chỉnh thích nghi trong nội bộ cơ thể, tức trạng thái cân bằng bị phá vỡ và bệnh phát sinh. Như vậy, bệnh là phản ứng và đấu tranh giữa Chính khí và Tà khí.

Đấu tranh Chính – Tà với phát bệnh

Chính khí (đối với tà khí) là cách gọi tổng thể về hoạt động công năng bình thường của cơ thể, tức là khả năng tự bản thân điều tiết, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, khả năng phòng bệnh chống lại tà khí và khả năng tự khỏi bệnh. Phương thức tác dụng của chính khí gồm:

  • Tự mình điều tiết để thích ứng với sự thay đổi của nội và ngoại cảnh để duy trì cân bằng âm – dương, giữ gìn cơ thể khỏe mạnh.
  • Kháng lại tà khí để phòng bệnh hoặc khi cơ thể mắc bệnh thì khu tà và đưa ra ngoài.
  • Khả năng cơ thể tự phục hồi sau khi bệnh hoặc khi cơ thể bị hư nhược thì tự mình thay đổi và hồi phục sức khỏe.

Tà khí còn gọi là bệnh tà (đối với chính khí) là chỉ các loại nguyên nhân gây bệnh, bao gồm các nhân tố tồn tại ở môi trường bên ngoài như: Thời tiết – khí hậu, Vi sinh vật, Ô nhiễm môi trường,…; các yếu tố khác như: Ăn uống, Chấn thương, Trùng thú cắn,… và yếu tố bên trong được gọi là nội nhân tình chí (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Bi, Ưu, Khủng,…). tác động hoặc xâm nhập gây bệnh hoặc tổn thương chính khí.

Yếu tố bên ngoài

Thời tiết khí hậu: Sự thay đổi khí hậu trong tự nhiên không chỉ là điều kiện để phát sinh ra lục dâm, dịch khí mà còn ảnh hưởng đến khả năng điều tiết và thích ứng của cơ thể. Con người thay đổi cùng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài (nhân thân tiểu vũ trụ, tương ứng thiên nhân). Âm dương của cơ thể vượng suy theo âm dương của thiên địa, mỗi tạng phủ, kinh lạc sẽ có lúc vượng lúc suy theo thời gian trong ngày như kinh Phế vượng ở giờ Dần, kinh Đại trường vượng ở giờ Mão. Như vậy, khí của tạng phủ, kinh lạc thịnh hay suy tương ứng với những khoảng thời tiết khác nhau và mỗi người có khả năng thích ứng khác nhau đối với sự thay đổi của khí hậu. Khí hậu thất thường làm cho khả năng điều tiết của chính kh suy yếu làm cho cơ thể dễ mắc bệnh.

Hoàn cảnh sinh hoạt: Điều kiện làm việc sinh hoạt là yếu tố ảnh hưởng đến phát bệnh. Nếu làm việc trong môi trường ẩm thấp thì dễ mắc các bệnh về thấp, nếu làm việc trong môi trường lạnh thì dễ mắc các bệnh về hàn.

Hoàn cảnh xã hội: Yếu tố xã hội thông qua yếu tố môi trường và yếu tố tâm lí ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh tật. Xã hội tiên tiến, phúc lợi xã hội tốt, điều kiện vệ sinh môi trường tốt thì giảm tỉ lệ phát sinh bệnh tật.

Yếu tố bên trong

Thể chất: Con người sinh ra, bẩm tố mỗi người mỗi khác nên tính cách cũng có sự khác biệt (mạnh mẽ hoặc nhu nhược), thể chất cũng khác nhau (cường tráng hoặc gầy yếu, cao hay thấp), nếu liên hệ với công năng sinh l thì cũng phân thành thiên âm hay thiên dương. Đặc trưng thể chất của cá thể quyết định khuynh hướng cơ thể sẽ dễ mắc một loại bệnh nào đó, ví dụ như “sấu nhân đa nhiệt, phì nhân đa đàm”. Tuổi nhiều hay ít, thể chất không giống nhau thì cũng có sự khác nhau về phát bệnh, như trẻ em dương khí dễ động nên khi cảm tà dễ hóa nhiệt động phong; người già khí huyết hư suy, nguyên âm nguyên dương suy, phát bệnh thường hư hàn chứng.

Tinh thần: Yếu tố tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động công năng của tạng phủ, âm dương, khí huyết, đồng thời nó có thể là nhân tố nội thương làm rối loạn công năng sinh lí mà phát thành bệnh. Vui (Hỷ) quá hại Tâm, Giận (Nộ) quá hại Can, Lo nghĩ – Ghét ghen (Ố) thái quá hại Tỳ, Buồn bã – ưu tư (Ưu) hại Phế, Sợ hãi (Khủng) thái quá hại Thận. Ví dụ, trong chứng Vị quản thống (đau dạ dày – ruột) thì tình chí uất ức dẫn đến Can khí uất kết mất công năng sơ tiết cho hoạt động của phủ Vị dẫn đến Can Vị bất hòa, biểu hiện ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị (tình chí là yếu tố gây bệnh); hoặc trong chứng trúng phong (đột quỵ), trường hợp cơ thể vốn dĩ âm hư, kết hợp với rối loạn tình chí gây can dương cang thịnh, huyết theo khí nghịch mà nhiễu loạn thần minh (tình chí là yếu tố thuận lợi khởi phát trúng phong).

Bẩm thụ tiên thiên bất túc: Ngoài ra, một số bệnh tật có thể phát sinh do bẩm sinh cha mẹ truyền cho không được hoàn chỉnh (tiên thiên bất túc).

Dinh dưỡng và rèn luyện: Dinh dưỡng và rèn luyện là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thịnh vượng của chính khí, nâng cao khả năng kháng bệnh. Tiên thiên hữu hạn, phải liên tục bổ sung bằng hậu thiên, nguồn gốc của hậu thiên từ ăn uống, nếu ăn uống không đủ, hoặc ăn uống thiên lệch làm khí huyết hư suy, chính khí bất túc phát sinh ra bệnh tật. Lao động, tập luyện làm khí huyết lưu thông, ngược lại ít vận động gây khí huyết trở trệ là điều kiện dễ phát sinh bệnh tật.

Nguyên tắc điều trị theo quan điểm y học cổ truyền

Từ sự phân tích nguyên nhân gây bệnh, y học cổ truyền đề ra các nguyên tắc điều trị bệnh tương ứng với từng nguyên nhân: phù chính khứ tà, điều chỉnh âm dương, điều hòa khí huyết, điều chỉnh tạng phủ, điều nhiếp tinh thần. Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo lớn nhất chính là điều trị cầu bản, tức phải căn cứ vào nguyên nhân căn bản phát sinh bệnh tật để đề ra biện pháp điều trị phù hợp với người bệnh. Theo Hải Thượng Lãn Ông, phép chữa bệnh chính là lập lại cân bằng.

Phù chính khứ tà

Sự đấu tranh giữa chính khí và tà khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát sinh bệnh tật. Phù trợ chính khí và khứ trừ tà khí là nguyên tắc trọng yếu trong điều trị bệnh.

  • Phù chính: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, nhằm nâng cao chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức chiến đấu của cơ thể với bệnh tật để đạt tới việc cơ thể tự diệt trừ tà khí và khôi phục sức khỏe.
  • Khứ tà: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để trừ đi nguyên nhân gây bệnh làm nhiễu loạn cơ thể, đạt được mục đích bảo hộ chính khí, khôi phục sức khỏe.

Điều chỉnh âm – dương

Điều chỉnh âm – dương tức là nhằm vào sự thay đổi thiên thắng hay thiên suy của âm dương trong cơ thể, áp dụng nguyên tắc tả phần hữu dư, bổ phần bất túc để âm dương khôi phục về trạng thái cân bằng.

Điều hòa khí huyết

Điều hòa khí huyết là căn cứ vào thay đổi bệnh lý của khí huyết, áp dụng mối quan hệ tương hỗ của khí huyết, vận dụng nguyên tắc “hữu dư tả chi, bất túc bổ chi”, làm cho khí cơ thông lợi, khí huyết điều hòa.

Khí không có huyết không hòa, huyết không có khí không vận hành, khí và huyết là một âm một dương quan hệ tương hỗ mật thiết với nhau về mặt sinh lý, bệnh lý. Cho nên trong điều trị phải nhằm vào điều chỉnh mối quan hệ của khí huyết, làm cho khí huyết khôi phục trạng thái bình thường.

Điều chỉnh tạng phủ

Y học cổ truyền xem xét cơ thể là một khối chỉnh thể hữu cơ, mối quan hệ giữa các tạng phủ là tương hỗ hiệp điều, trong sinh lý cũng như bệnh lý. Một tạng bị bệnh có thể ảnh hưởng đến tạng khác và ngược lại. Vì vậy điều chỉnh tạng phủ trong khi điều trị bệnh lý của tạng phủ cần phải cân nhắc những rối loạn về khí huyết âm dương của tạng phủ, đồng thời phải chú ý đến mối quan hệ giữa các tạng phủ, để khôi phục lại trạng thái cân bằng.

Điều nhiếp tinh thần

Điều nhiếp tinh thần tức là thầy thuốc vận dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc giúp bệnh nhân điều chỉnh trạng thái tinh thần, khôi phục sức khỏe.

Hoạt động tình chí với ý trạng thái sinh lý hay bệnh lý của cơ thể có mối quan hệ mật thiết với nhau. Yếu tố tình chí không chỉ là nguyên nhân phát sinh bệnh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và biến đổi của bệnh, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Điều nhiếp tinh thần vừa là phương pháp phòng bệnh vừa là phương pháp chữa bệnh.

Yếu tố môi trường và con người

Con người sống trong môi trường tự nhiên, chịu ảnh hưởng của khí trong trời đất, khí hậu của bốn mùa. Sự vận động của âm – dương trong giới tự nhiên với sinh lý và bệnh lý của con người có mối quan hệ mật thiết. Sự khác nhau về thể chất của mỗi người cũng ảnh hưởng đến phát sinh, phát triển và biến hóa của bệnh tật. Vì vậy khi điều trị phải xem xét đến yếu tố âm – dương của trời đất, thay đổi của hoàn cảnh tự nhiên, sự khác nhau về thể chất của từng cá thể để đề ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng cá thể.

Các yếu tố cần xem xét: thích hợp về thời gian, thích hợp về không gian, thích hợp về con người như tuổi tác, giới tính, thể chất.

Các phương pháp điều trị có thể áp dụng:

  • Phương pháp không dùng thuốc như: Chế độ dinh dưỡng, Tập luyện từ luyện Tinh đến luyện Khí đến luyện Thần, Xoa bóp – bấm huyệt, Châm cứu.
  • Phương pháp dùng thuốc: dựa vào dược lý YHCT như: Tính – Vị – Quy kinh của từng dược liệu; Vai trò Quân, Thần, Tá, Sứ trong cấu tạo một thang thuốc, đơn thuốc phù hợp với trạng thái người bệnh.

Cũng như trong các tác phẩm truyện kiếm hiệp chúng ta thường nghe câu “Chính tà bất lưỡng lập”, để giảm thiểu và đẩy lùi Tà, chúng ta cần bổ sung và làm mạnh Chính. Chính tốt thì Tà sẽ lui.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay – Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết