Đau đầu Migraine

Đau đầu Migraine là một bệnh phổ biến, tần suất trong cộng đồng là 15% ở nữ và 5% ở nam. Migraine thường bắt đầu từ thời niên thiếu hoặc thanh niên, đạt đến đỉnh về tỉ lệ lưu hành (khoảng 25% dân số) ở phụ nữ tuổi trung niên và sau đó giảm dần. Migraine được ghi nhận hay đi kèm với các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn cưỡng bức, rối loạn hoảng loạn và hội chứng đại tràng kích thích.

Triệu chứng lâm sàng của Migraine

  • Đau đầu Migraine thường là dữ dội, mặc dù một số trường hợp chỉ đau đầu vừa phải. Đau có thể một bên hay hai bên, thường đau kiểu mạch đập, tăng lên khi gắng sức hoặc làm hạn chế các hoạt động hằng ngày.
  • Đau nửa đầu vùng trán – thái dương, đau một bên hoặc bất kỳ vùng nào của đầu.
  • Các cơn đau kéo dài 4-72 giờ.
  • Cơn đau kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện sau:

– Buồn nôn hoặc nôn ói.

– Sợ ánh sáng cùng sợ tiếng động (hoặc chỉ sợ tiếng động).

Phân loại Migraine

Migraine có Tiền triệu (là triệu chứng có trước hoặc trong giai đoạn sớm của một số cơn đau đầu:

  • Rối loạn chức năng khu trú của vỏ não hoặc thân não có hồi phục.
  • Tiền triệu hình thành trong 5-20 phút, kéo dài không quá 1 giờ.
  • Đau đầu xảy ra sau khi có Tiền triệu dưới 60 phút.

Tiền triệu đa phần là Thị giác: có ám điểm lóe sáng hoặc di chuyển, có thể là dưới dạng cảm giác tê bì và châm chích lan rộng dần ở một chi trên và mặt cùng bên.

Migraine chuyển dạng: Đau đầu do lạm dụng thuốc.

Lạm dụng thuốc để điều trị đau cấp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, xảy ra với mọi loại thuốc giảm đau đầu.

  • Đau đầu hàng ngày hoặc gần như hàng ngày (>15 ngày/ tháng) và hơn 1 tháng.
  • Khoảng thời gian đau đầu trung bình >4 giờ/ ngày (không điều trị).
  • Ít nhất một trong các biểu hiện sau:

– Có bệnh sử đau đầu Migraine.

– Bệnh sử đau đầu Migraine tăng về tần số cùng với giảm về độ nặng trong ít nhất 3 tháng.

Migraine mạn tính:

  • Là loại đau đầu mạn tính hay gặp nhất: chiếm 2% dân số, nữ bị nhiều >nam.
  • Yếu tố nguy cơ của Migraine mạn tính:

– Yếu tố không can thiệp được bao gồm nữ giới, tầng lớp kinh tế xã hội thấp, độc thân.

– Yếu tố can thiệp được: lạm dụng thuốc cắt cơn, cà phê, béo phì, hội chứng đau khác, chấn thương đầu cổ gần đây, ngủ ngáy, căng thẳng cuộc sống.

Tóm lại, với đau đầu migraine:

Ban đầu là có một yếu tố khởi phát lên cơn:

  • Do tâm lý, môi trường, nội tiết và chế độ ăn. Nhưng cũng có thể ngược lại không phải các Stress mà chính việc thoát khỏi Stress mới là yếu tố khởi phát cơn đau. Điều này có thể lý giải hiện tượng hay có cơn vào cuối tuần. Cả ngủ quá nhiều lẫn mất ngủ đều là yếu tố khởi phát cơn Migraine.
  • Thay đổi thời tiết, có thể liên quan đến thay đổi về áp suất khí quyển, cũng là yếu tố khởi phát Migraine.
  • Một số mùi trong môi trường như khói, thuốc lá, nước hoa đậm đặc có thể khởi phát cơn ở một số bệnh nhân.
  • Migraine cũng thường xuất hiện (đôi khi rất đều đặn) khi hành kinh (Migraine kinh nguyệt), cải thiện rõ trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ và có thể bộc phát trong giai đoạn quanh mãn kinh. Các thuốc ngừa thai có thể làm nặng thêm tình trạng đau đầu Migraine.
  • Thức ăn có lẽ đã được nhấn mạnh quá mức trong vai trò yếu tố khởi phát Migraine, nhưng việc ngưng rượu, ngưng cà phê và bỏ bữa ăn có thể làm khởi phát cơn đau.

Dấu hiệu báo trước

Trong vài giờ hoặc một ngày trước khi có cơn đau đầu, bệnh nhân có các triệu chứng về tâm thần hoặc thần kinh thực vật như: trầm cảm hoặc kích thích, uống nhiều, tiểu nhiều hoặc phù; buồn nôn tiêu chảy hoặc táo bón; ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi; ngáp, xanh xao hoặc mệt mỏi. Đôi khi có cảm giác thèm ăn, ăn và sau đó nhầm tưởng là thức ăn gây khởi phát cơn đau.

Nhưng một câu chuyện diễn tiến theo trình tự đầy đủ như trên thì ít gặp trong thực hành lâm sàng và cần được phân biệt với các bênh cảnh khác đặc biệt là cơn thoáng thiếu máu não, động kinh cục bộ hay đột quỵ.

 

Chẩn đoán Migraine

Dựa trên bệnh sử được gợi ý khi có các cơn đau đầu tái phát ở người khỏe mạnh với tính chất đau đầu theo nhịp mạch, kéo dài từ 4-72 giờ, đau một bên đầu, buồn nôn và mất khả năng làm việc trong cơn đau.

Dựa trên tiêu chuẩn Chẩn đoán Migraine của Hiệp hội đau đầu quốc tế, bệnh nhân phải có từ 5 cơn đau đầu thỏa đủ tiêu chuẩn từ 1 đến 4:

  1. Các cơn đau kéo dài từ 4-72 giờ.
  2. Cơn đau kèm theo ít nhất một trong các biểu hiện:
  • Buồn nôn và/hoặc nôn ói.
  • Sợ ánh sáng và/hoặc sợ tiếng động.
  1. Đau đầu ít nhất có 2 đặc tính sau:
  • Một bên.
  • Theo mạch đập.
  • Cường độ trung bình hoặc nặng.
  • Tăng lên hoặc làm hạn chế các hoạt động hằng ngày (đi bộ, bước lên cầu thang).

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  1. Điều trị cắt cơn luôn được áp dụng vì bản chất đau nặng và ảnh hưởng lao động và ngăn chặn tiến triển của bệnh thành mãn tính hoặc chuyển thể đau đầu Migraine.

Mục đích: hết cơn đau và các triệu chứng kèm theo trong vòng 2 giờ từ khi bắt đầu, nhưng các thuốc này nên hạn chế sử dụng: không quá 3 ngày 1 tuần (10-15 ngày/tháng) nhằm tránh đau đầu do lạm dụng thuốc.

  1. Điều trị phòng ngừa chỉ áp dụng khi các cơn đau xảy ra 3-4 lần trong 1 tháng, do Migraine nhiều khả năng tái phát cơn gần như suốt đời, nên các bác sĩ điều trị cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản sau:
  • Đau đầu là cảm nhận của bệnh nhân và do đó bệnh nhân có vai trò chính trong việc xử lý cơn đau, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của bác sỹ.
  • Các chức năng của người thầy thuốc là:

– Giải thích để bệnh nhân hiểu rõ họ bị bất thường về chức năng như thế nào, những thay đổi về lối sống và các thuốc được kê toa sẽ tác động lên bất thường chức năng đó như thế nào, làm sao để sử dụng thuốc một cách phù hợp và an toàn nhất.

– Chỉ định những thay đổi lối sống và thuốc thích hợp, giám sát việc tuân thủ và đáp ứng điều trị, đảm bảo an toàn và tránh gây lệ thuộc thuốc.

– Điều chỉnh khi cần với những tình huống mới (như đau đầu thường xuyên hơn, có thai) và với tình huống cấp cứu (trạng thái Migraine).

  • Bệnh nhân cần ghi nhật ký để theo dõi ngày và giờ đau, các yếu tố khởi phát cơn đau (như chu kỳ kinh nguyệt, Stress căng thẳng, thời tiết, thức ăn) thời gian và độ nặng của mỗi cơn đau, thuốc uống (với liều được kê toa), hiệu quả và tác dụng phụ của chúng.

Điều trị cơn đau đầu cấp

  1. Các phương pháp vật lý
  • Nếu có một tình huống hoặc một yếu tố môi trường có vẻ làm khới phát cơn đau thì phải loại bỏ chúng.
  • Nghỉ ngơi trong phòng tối, yên lặng, nằm với đầu cao nhẹ (khoảng 30°C).
  • Đặt túi gel lạnh hoặc khăn ướp lạnh lên đầu.
  • Giữ ấm các phần còn lại của cơ thể.
  • Ép đầu bằng cách quấn chặt khăn vả ướt lạnh quanh đầu.
  • Thư giãn, ngủ nếu có thể, có thể áp dụng các kỹ thuật thiền hay tự thôi miên.
  • Có thể uống một tách cà phê nóng (có tác dụng gây co mạch nội sọ).
  1. Điều trị cắt cơn

Tùy theo độ nặng nhẹ của cơn đau hiện tại hoặc dự đoán: sử dụng thuốc nhẹ cho những trường hợp đau nhẹ, dễ dung nạp hơn và dĩ nhiên thuốc mạnh hơn (nhiều tác dụng phụ hơn) cho những cơn đau trầm trọng hơn; nhấn mạnh với bệnh nhân rằng thuốc sẽ có tác dụng tốt hơn nếu uống sớm khi mới bắt đầu cơn, càng uống trễ càng ít đáp ứng.

BS Huỳnh Văn Phụng

 Khoa Nội Thần kinh – BVĐK Vạn Hạnh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

 

Posted in: Bạn cần biết