Suyễn (hen phế quản) là một bệnh lý mạn tính của đường dẫn khí, gây ra những cơn ho, khò khè, nặng ngực và khó thở, đòi hỏi mất nhiều thời gian điều trị.
Bệnh nhân thường trong tình trạng “phòng thủ” trước những cơn hen bất ngờ, có lúc có thể đe dọa đến mạng sống. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, suyễn có thể gây suy giảm chức năng hoạt động của phổi.
Nếu trong nhà bạn có người mắc phải bệnh này, đặc biệt là trẻ em, hãy trang bị cho mình cũng như người bệnh một số kiến thức cơ bản về cách phòng ngừa, điều trị suyễn. Những thông tin dưới đây sẽ có lúc hữu ích cho bạn.
1. Chú ý những dấu hiệu thông thường:
Đối với căn bệnh không nên bỏ qua những triệu chứng làm ảnh hưởng đến đường thở như: ho dai dẳng, đặc biệt là ho về đêm hay lúc thức dậy, ho khò khè, ho hay khò khè khi vận động thể lực, dị ứng, cảm giác nặng ngực khi tiếp xúc với chất kích thích như: cà-phê, khói thuốc…
Lưu ý, không phải lúc nào cũng có đầy đủ các triệu chứng như: ho, khò khè, nặng ngực và khó thở. Có những người bị suyễn nhưng chỉ ho đơn thuần, khó thở hoặc chỉ đau thắt ngực. Các dạng suyễn như trên, còn gọi là suyễn giấu mặt, rất khó chẩn đoán.
2. Tránh xa khói thuốc:
Đây là điều kiện tiên quyết trong quá trình điều trị hen suyễn. Khói thuốc khiến bệnh suyễn sẽ trở nên trầm trọng, làm tăng nguy cơ bị suyễn cấp tính và làm tổn thương vĩnh viễn đường dẫn khí. Vì vậy, phải đảm bảo bầu không khí trong nhà tuyệt đối trong lành, đặc biệt trong những không gian kín như phòng ngủ hoặc xe hơi.
Nên nhớ rằng, người bệnh ngoài việc không hút thuốc, cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động (do người khác hút) ở những nơi có nhiều khói thuốc như quán cà-phê, công sở hay các nơi công cộng… vì nó cũng nguy hiểm như hút trực tiếp.
Được xem là căn bệnh không khó trị nhưng cũng không hẳn dễ dàng chế ngự, suyễn gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi còn ảnh hưởng đến tính mạng.
3. Luôn mang theo thuốc:
Do cơn hen suyễn luôn đến bất ngờ nên hãy nhắc nhở người bệnh thường xuyên đem theo thuốc cắt cơn phòng khi nguy cấp. Nên thủ sẵn trong túi một ống thuốc xịt, đây là loại thuốc trị cơn hen rất hiệu quả. Khi dùng thuốc cắt cơn phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc cắt cơn rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, gây lờn thuốc, rất nguy hiểm. Người bệnh cũng không được tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng giảm.
4. Hen suyễn và thai kỳ:
Phụ nữ bị suyễn cần cẩn trọng hơn khi mang thai. Có những người kiểm soát được bệnh tốt hơn, trong khi một số người vẫn không thay đổi các triệu chứng. Đặc biệt, khoảng 30% bệnh nhân suyễn có nhiều biểu hiện cho thấy bệnh nặng thêm. Việc kiểm soát hen suyễn trong lúc mang thai là rất cần thiết. Bởi vì, nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến sinh non, phải mổ lấy thai, tiền sản giật, thai kém phát triển… Nặng nề hơn có thể gây biến chứng cho mẹ hoặc thậm chí là tử vong.
5. Phòng bệnh:
Bạn cần thiết phải chú ý đến môi trường sống của mình để phòng bệnh hẹn suyễn.
|
Ngay cả khi đã uống thuốc, bạn cần thiết phải chú ý đến môi trường sống của mình. Dưới đây là một vài gợi ý:
– Loại bỏ đến mức tối đa những tác nhân có thể gây ra dị ứng cho bạn. Ví dụ như hút bụi sạch sẽ, vệ sinh drap, mền, chiếu, nệm, thay áo gối thường xuyên. Tránh tiếp xúc với thú nuôi.
– Chú ý đến thời tiết, tránh ra vào phòng lạnh, tránh bụi bặm, che chắn mũi cẩn thận khi ở nơi ô nhiễm.
– Chọn môn thể thao phù hợp và không nên tập với cường độ cao…
6. Lưu ý khi điều trị:
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên tuân thủ ba nguyên tắc:
– Tìm hiểu những yếu tố gây bệnh, công dụng các loại thuốc điều trị và cách đối phó khi lên cơn suyễn…
– Đến bác sĩ kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh lượng thuốc phù hợp với bệnh trạng, vì triệu chứng và độ nặng nhẹ cũng như yếu tố gây bệnh có thể thay đổi theo thời gian.
– Dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ ngay cả lúc không lên cơn, như thế mới giảm cơn suyễn kéo đến thường xuyên.
7. Thực đơn hàng ngày:
Tùy cơ địa mỗi người mà bệnh nhân nên kiêng những thức ăn có thể gây dị ứng.
|
Tùy cơ địa mỗi người mà bệnh nhân nên kiêng những thức ăn có thể gây dị ứng. Cần dùng nhiều thức ăn có chứa vitamin C, ma-giê và những a-xít béo omega-3. Một số nghiên cứu cho thấy, lượng vitamin C ở những người bệnh suyễn thường ít hơn 50% so với những người bình thường. Người ta nhận thấy việc thiếu vitamin C phối hợp với điều kiện không khí ô nhiễm làm gia tăng những trường hợp bệnh suyễn, đặc biệt là đối với trẻ em.
Ma-giê có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyên người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm có chứa những a-xít béo omega-3 như: cá, mè, hạt hướng dương, dầu cá thu, dầu lanh… Ngoài việc tăng cường khả năng miễn dịch và một số lợi ích khác, omega-3 là một yếu tố chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng, giúp ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp.
8. Giảm ảnh hưởng của a-xít:
Lượng a-xít quá nhiều trong dạ dày (dẫn đến chứng ợ nóng) là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn. Người bị hen suyễn nên tránh ăn đêm trước khi ngủ hoặc dùng thuốc điều chỉnh lượng a-xít sẽ giúp giảm nguy cơ phát bệnh.
9. Cẩn thận bệnh ở trẻ em:
|
Bệnh hen suyễn thường gặp ở trẻ.
|
Bệnh hen suyễn thường gặp ở trẻ. Các chuyên gia cho biết, bên cạnh yếu tố di truyền, có khoảng 20% số trẻ bị bệnh là do tác động của môi trường sống hay do các tác nhân khách quan. Những lúc bé đang lên cơn, không được tắm cho bé. Tránh cho bé chơi, ngồi hoặc bế ra nơi có gió lùa sẽ khiến trẻ bị lạnh đột ngột, cơn hen sẽ nặng hơn.
Cần mặc ấm cho bé vào mùa lạnh, nhất là khi ra khỏi nhà. Tắm ở buồng không có gió lùa bằng nước ấm. Cần tắm nhanh, sau đó phải lau khô người cho bé bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ.
Khi trẻ lên cơn hen nặng, hen cấp tính (khó thở gấp, dữ dội, môi tím, không khóc được, nói ngắt quãng hoặc không nói được…) cần khẩn trương đưa bé đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.
. Ngọc Hào
Tạp chí Sức Khỏe