7 điều nên biết về truyền dịch

Truyền dịch không chỉ là vô nước mà còn có thể “tiếp tế” dinh dưỡng, máu hoặc thuốc cho cơ thể bệnh nhân. Đây là một kỹ năng được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn.

Phải sử dụng các dụng cụ vô trùng tuyệt đối và đặc biệt chai dịch truyền phải vô khuẩn, nguyên vẹn, không đổi màu, còn thời hạn sử dụng. Một số lưu ý đặc biệt dưới đây về truyền dịch sẽ hữu ích cho bạn và người thân.

1. Đừng thiếu hiểu  biết  mà tiền mất  tật mang

Việc người bệnh có cần thiết truyền dịch hay không phải được sự cân nhắc kỹ lưỡng của thầy thuốc chứ không phải muốn là truyền. Người già bị suy tim, gan, phổi, thận… mà không biết trước hay những  người có bệnh lý không được điều trị, khi truyền dịch có thể gây tử vong.

2. Hãy  đưa  thân nhân của mình đến các cơ sở y tế để được khám và truyền dịch

Nếu cơ thể họ có biểu hiện khát nước nhiều, môi khô, mắt trũng lờ đờ, da nhăn nheo và khô, đi tiểu ít màu vàng sậm… Trong trường hợp họ bị sốt cao nhiều ngày, tiêu chảy không hết, người bệnh sẽ được truyền nước muối sinh lý hoặc trường hợp quá suy nhược, không ăn uống được, suy dinh dưỡng sẽ được truyền các vitamin, chất khoáng và các chất có năng lượng cao.

3. Chuẩn bị cho người bệnh trước khi truyền dịch

Kiến thức cần biết khi truyền dịch, 7 điều nên biết về truyền dịch, những điều cần lưu ý khi truyền dịch 

Luôn cho họ đi vệ sinh cá nhân trước (đi tiêu và đi tiểu) vì mỗi lần truyền thường kéo dài trên ba tiếng, tùy thuộc vào dung dịch được truyền, số lượng bao nhiêu. Nếu trong khi truyền mà người bệnh đi vệ sinh, rất dễ trật ven, sút ống, gây chảy máu và đặc biệt, người bệnh có thể bị nhiễm trùng.
Nếu đang truyền dịch, người bệnh có nhu cầu đi vệ sinh, chúng ta có thể lấy bô cho họ đi tại giường.

4. Tuân thủ các nguyên tắc khi truyền dịch.

Chúng ta phải tuân thủ truyền đúng số giọt theo chỉ định của bác sĩ, đã được điều dưỡng thực hiện. Nhiều thân nhân và bệnh nhân rất nôn nóng, xin bác sĩ, điều dưỡng hay tự ý mở khóa cho dịch chảy nhanh hơn. Đây là lý do hàng đầu dẫn tới bệnh nhân bị choáng phản vệ.

5. Thân nhân, bệnh nhân, bác sĩ, điều dưỡng cùng theo dõi để phát hiện các rủi ro xảy ra.

Trong thời gian truyền, bệnh nhân có thể nổi mẩn đỏ ngay chỗ truyền, ngứa, người lạnh run, đổ mồ hôi, đau tức ngực, khó thở kiểu ngợp nước…, đó là biểu hiện của choáng phản vệ. Người nhà bệnh nhân nên lập tức khóa ngay đường truyền, gọi cấp cứu, phụ đẩy bệnh nhân đến phòng cấp cứu. Chính vì vậy, chúng ta không nên truyền dịch ở nhà hay giao thân nhân của mình cho nhân viên y tế thiếu chuyên môn cũng như không có phương tiện cấp cứu.

6. Không nên quá nhanh nhẹn bỏ các vỏ chai đã truyền.

Khi cấp cứu choáng phản vệ, bác sĩ rất cần các thông tin về tên thuốc, thời hạn sử dụng, chất lượng… Lưu ý: choáng phản vệ không những chỉ xảy ra trong khi truyền mà còn xảy ra vài giờ sau truyền.

7. Cuối cùng, chúng ta không nên truyền dịch khi không cần thiết hay khi không có yêu cầu của bác sĩ.

Mặc dù các chất qua đường dịch truyền sẽ được hấp thu 100%, trong khi qua đường ăn uống chỉ 50%. Nếu có dấu hiệu mất nước, có thể uống Oresol 1 gói pha với 1 lít nước, uống trong 1 ngày và dùng thêm nước trái cây. Trường hợp suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, người già ăn khó tiêu, thân nhân nên nấu súp, cháo, cho ăn từng ít một và nhiều lần trong ngày.

BS. Nguyễn Thu Ngọc
Theo Tạp chí Sức Khỏe


Posted in: Tin y tế