5 hành vi không thân thiện với môi trường

Môi trường sống của chúng ta đang xuống cấp trầm trọng và một trong số các nguyên nhân chính là do những hành vi tiêu cực của con người.

Phung phí điện vô tội vạ, phì phèo khói thuốc vô tư nơi công cộng… là những thói quen, hành vi xấu không chỉ làm cho người khác khó chịu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường của chúng ta. Dưới đây là cận cảnh 5 hành vi xấu mà chúng ta cần khắc phục.

1.Dùng điện vô tội vạ

Cận cảnh: Gia đình chị Phượng vừa mới xây một ngôi nhà ba tầng khang trang ở Q.7. Hễ cứ đến tối là cả căn nhà chị lại sáng rực với đủ các loại đèn từ tầng một lên đến tầng ba. Chưa hết, chỉ có bốn nhân khẩu nhưng trong nhà được trang bị đến ba cái máy điều hòa. Một cái được lắp ở phòng riêng của anh chị, còn hai cái kia thì được đặt ở phòng của cô con gái lớn và cậu con trai út. Dù ngày nắng nóng hay mát mẻ, khi bước vào trong phòng của mỗi thành viên, hơi lạnh luôn phà vào mặt. Cô con gái của chị thường có thói quen bật điều hòa nhưng vẫn trùm mềm để chỉ có cảm giác lành lạnh cho dễ ngủ.

Ngoài ra, máy nước nóng, máy giặt trong nhà thì hoạt động liên tục. Mỗi tháng hóa đơn tiền điện của gia đình chị không bao giờ dưới hai triệu đồng.

Ảnh hưởng: Việc tiêu thụ điện của mỗi cá nhân nói riêng và chúng ta nói chung có ảnh hưởng gián tiếp đến sự ô nhiễm môi trường và sức khỏe. Quá trình sản xuất điện sẽ sản sinh ra các loại chất thải CO2 (carbon dioxide), sulphur dioxide (SO2), nitrogen oxide (NOx) là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, mưa a-xít, hiện tượng sương mù quang hóa, làm thay đổi khí hậu, tăng lượng bức xạ tia cực tím lên bề mặt trái đất… Theo tính toán của các chuyên gia, cứ 1kWh phát ra bởi nhà máy nhiệt điện sẽ thải 1kg CO2 hoặc phát điện bằng khí gas tự nhiên sẽ sinh ra 450g CO2. Dùng điện càng nhiều, sản xuất điện càng tăng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng lớn. Điều nên làm: Tắt bóng đèn, ti-vi, quạt, máy tính… khi không cần sử dụng. Bạn nên gắn thiết bị ngắt điện thông minh cho tất cả các thiết bị điện gia dụng. Nó sẽ giúp ngắt nguồn điện tự động khi máy tính hay các thiết bị điện tử khác ở chế độ off.  Ngoài ra, chỉ cần điều chỉnh điều hòa không khí cao hơn 20C trong mùa hè, thấp hơn 20C trong mùa đông sẽ cứu vãn hơn 900kg khí CO2 thải ra mỗi năm.

2. Sử dụng túi nylon tùy tiện

Cận cảnh: Thói quen sử dụng túi nylon (bao xốp) đã trở nên rất quen thuộc trong mỗi gia đình ở nước ta.

5 hành động phá hoại môi trường, hút thuốc phá hoại môi trường, nạn chặt cây, thói quen hủy hoại môi trường
Túi nylon hiện diện ở mọi ngóc ngách, từ các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa cho đến những bà bán bánh mì, xôi trên vỉa hè…

Ngày nay, chúng  là loại vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống. Mọi người có thể sử dụng túi nylon để đựng đủ mọi thứ từ thức ăn sống cho đến thức ăn chín, bảo quản trong tủ lạnh… Túi nylon hiện diện ở mọi ngóc ngách, từ các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa cho đến những bà bán bánh mì, xôi trên vỉa hè…

Ảnh hưởng: Các loại túi nylon hiện nay được làm từ chất dẻo polyvinyl có các phân tử đơn lẻ polyvinyl có khả năng gây nên bệnh ung thư. Ngoài ra, các túi  nylon màu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như: chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng, một túi nylon phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên. Rất nhiều người vứt túi nylon một cách tùy tiện, chúng  bị vùi lấp lại, gây ô nhiễm cho nguồn nước và đất.

Điều nên làm: Hạn chế sử dụng túi nylon. Bạn nên sắm một giỏ nhựa để đi chợ, túi giấy hay túi vải để đựng quần áo hoặc đồ tạp hóa. Khi có nhu cầu mua sắm, bạn hãy mang theo chiếc túi hoặc giỏ nhựa, dần dần bạn sẽ tập thói quen không sử dụng túi nylon. Ngoài ra, bạn nên dùng các loại túi được làm từ nguyên liệu có thể tiêu hủy và tái sử dụng nhiều lần. Dùng giấy, lá để gói các loại thực phẩm thay cho bao nylon.

3. Một bước là lên xe gắn máy

Cận cảnh: Chị Trâm ngụ ở đường Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thạnh. Nhà chị cách chợ không bao xa, chỉ chừng 500m, nhưng mỗi ngày chị lại dùng xe gắn máy để đi chợ. Mỗi buổi sáng, chị và cậu con trai lại đèo nhau trên xe máy để đi ăn sáng mà chỗ ăn chỉ cách nhà khoảng… 200m.

Ảnh hưởng: Gần 90% lượng xe ở thành phố lớn là xe máy, lại chủ yếu là xe phân khối nhỏ có kết cấu động cơ đơn giản, sử dụng nhiên liệu xăng. Trong đó, nhiều loại xe cũ lưu hành đã lâu và thiếu các hệ thống kiểm soát khí thải.

Đây cũng là nguyên nhân gây ùn ắc giao thông triền miên gây ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng với nồng độ khí CO, bụi, benzene…  vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép, làm cho sức khỏe cư dân thành phố bị suy giảm với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản mãn, ung thư…

Điều nên làm: Đi bộ hoặc sử dụng xe đạp thay cho xe máy khi có thể. Mỗi lít xăng mà bạn tiết kiệm được (ngoài việc tiết kiệm cho hầu bao của bạn), sẽ ngăn chặn gần 2,5kg CO2 thoát ra không khí.

4. Phì phèo thuốc lá

5 hành động phá hoại môi trường, hút thuốc phá hoại môi trường, nạn chặt cây, thói quen hủy hoại môi trường
Người có thói quen hút thuốc thường không chỉ gây hại cho chính mình mà còn ảnh hưởng đến mọi người và môi trường xung quanh

Cận cảnh: Gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, Biên Hòa, có nhiều thế hệ sống với nhau. Buổi tối, mọi người thường quây quần bên gian nhà chính. Cánh đàn ông tụ tập hút thuốc, uống trà và nói chuyện thời sự, trẻ con thì chạy nhảy xung quanh. Ông Hải lấy làm thích thú khi nhiều đứa cháu thỉnh thoảng còn xung phong “châm thuốc” cho ông nội. Gần đây, đứa cháu mới 2 tuổi của ông đã phải đi cấp cứu vì bị lên cơn suyễn cấp do khói thuốc lá.

Ảnh hưởng: Người có thói quen hút thuốc thường không chỉ gây hại cho chính mình mà còn ảnh hưởng đến mọi người và môi trường xung quanh. Thuốc lá được nói đến nhiều về những tác hại đối với sức khỏe, gây ra nhiều căn bệnh như: chuyển  màu da, mù mắt, các bệnh về tim, phổi, dạ dày, loãng xương… Đặc biệt đối với phụ nữ, khói thuốc làm giảm khả năng sinh con, thai nhi đẻ ra nhẹ cân…

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường không phải là nhỏ. Thuốc lá chứa trên 4.000 hóa chất độc hại khi thải vào không khí. Đây cũng là 5% nguyên nhân gây nên các vụ hỏa hoạn ở nước ta.

Điều nên làm: Nếu là người nghiện thuốc lá, bạn nên từ bỏ thói quen có hại này. Nếu  bạn  là người “phải” hút thuốc lá thụ động, hãy mạnh mẽ lên tiếng phản đối hoặc khuyến khích người thân của bạn hạn chế hút thuốc lá nơi đông người, dần dần tiến đến việc bỏ thuốc lá. 

5.      Chặt phá cây xanh

Cận cảnh: Cây xanh không chỉ có tác dụng lọc khí độc hại, cân bằng hệ sinh thái, tạo cảnh quan môi trường mà góp phần giúp cho không khí mát mẻ, trong lành. Thế nhưng, nhiều người không có ý thức bảo vệ mà còn chặt phá cây xanh.

5 hành động phá hoại môi trường, hút thuốc phá hoại môi trường, nạn chặt cây, thói quen hủy hoại môi trường
Ở các thành phố, người ta chặt bớt cây xanh để có chỗ buôn bán, xây dựng các công trình.

Ở các thành phố, người ta chặt bớt cây xanh để có chỗ buôn bán, xây dựng các công trình. Gần đây, tại Hà Nội nhiều người vì thiếu ý thức và ích kỷ đến mức chặt trộm cả cây trong công viên đi bán. Ngoài ra, nạn phá rừng cũng là một vấn đề gây bức bối ở nước ta, người ta bất chấp hậu quả, tàn sát từ cây gỗ lớn cho đến cây bé.

Ảnh hưởng: Vì không còn cây xanh để cân bằng môi trường sinh thái nên hậu quả là các trận lụt lội xảy ra ngày càng nhiều và hạn hán triền miên. Ở các thành phố lớn, do ít cây xanh nên môi trường sống ngày càng bức bối, khó chịu hơn.

Điều nên làm: Báo ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi chặt phá cây xanh. Trồng nhiều cây xung quanh môi trường sống của bạn.


. Như Như – Mỹ Lan
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Bạn cần biết