Khám “vùng kín”: vì ngại, dễ nguy

(Sức Khỏe – khoe24h) Do ngại ngần, nhiều bạn gái chấp nhận sống chung với tình trạng kinh nguyệt không đều, ngứa ngáy, khó chịu ở “vùng kín” thay vì đến bệnh viện khám phụ khoa. Điều này có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng.

Khám vùng kín, khám vùng kín phụ nữ, khám vùng kín nữ, khám bệnh vùng kín, ngại khi khám phụ khoa, ngại khám phụ khoa, tạp chí sức khỏe, khoe24h, tap chi suc khoe, sức khỏe, suc khoe.
Hình minh họa. (Ảnh internet)

Ngại đi khám phụ khoa thường do tâm lý sợ rách “cái ngàn vàng” hoặc do ngại ngùng, xấu hổ, sợ gặp tình huống bác sĩ nam thăm khám… Cũng có bạn tự tin rằng, mình chưa mở “cửa” bao giờ nên chắc chắn sẽ không có bệnh ở “vùng kín”.

Có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng

Lo đến mất ăn, mất ngủ vì chu kỳ kinh nguyệt bỗng kéo dài gấp đôi bình thường tới 3 “mùa” liên tiếp nhưng T. T (ngụ Q. Gò Vấp, TP. HCM) lại không dám đi khám phụ khoa. Thật ra, T cũng đã đến trước cổng bệnh viện vài lần nhưng cuối cùng, cô lại quay xe ra về. Cứ mỗi lần lấy can đảm đi khám, đến trước cổng bệnh viện, T lại nghĩ tới câu nói của cô bạn cùng phòng trọ: “Chị mình đi khám phụ khoa một lần, bị đút cây gì vào sâu lắm. Như thế thì rách màng trinh chứ còn gì?”. Tuy nhiên, cả T và cô bạn kia không hề để ý rằng, chị của cô ấy đã có gia đình nên được bác sĩ khám phương pháp khác, còn với những cô gái trẻ chưa hề quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ có cách khám khác.

Cũng lo lắng về việc khám phụ khoa nhưng T. N (ngụ Q. Bình Thạnh, TP. HCM) lại có nỗi sợ khác mang tên “bác sĩ nam”. Tình cờ, N nghe cô em họ – người đã có kinh nghiệm một lần đến bệnh viện khám phụ khoa, kể lại chuyện “xui xẻo” bị bác sĩ nam thăm khám. Cô gồng người co cứng, bác sĩ không kiểm tra được, thời gian khám càng kéo dài nên cô càng ngượng, tự nhủ sẽ không bao giờ đi khám phụ khoa nữa. Vì thế, dù gần đây, vùng kín “râm ran” gây khó chịu nhưng N thà “sống chung với lũ” chứ nhất quyết không đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chữa trị.

Không chịu đi khám phụ khoa, T. T và T. N chọn giải pháp dò hỏi những người xung quanh, bạn bè và tự ra nhà thuốc khai bệnh, mua thuốc uống, thuốc rửa.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Vĩnh Thành, Khoa Khám phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM, việc tự ý dùng thuốc sẽ để lại những hậu quả khôn lường, bệnh có khi sẽ nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc. Ngoài ra, với tâm lý lo lắng, không chịu đi khám, nhiều bạn gái phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như: dị tật tử cung, buồng trứng, viêm nhiễm… Đến khi đang mang thai mới phát hiện thì việc xử lý sẽ phức tạp hơn nhiều.

Đã “gần gũi” mới bị bệnh phụ khoa?

Không lo lắng, sợ sệt như những trường hợp trên, có nhiều bạn gái mang suy nghĩ, do chưa bao giờ “đi quá giới hạn cho phép” nên mình không cần quan tâm đến việc khám phụ khoa.

Tuy nhiên, bác sĩ Vĩnh Thành cho biết, 70% phụ nữ (không phân biệt đã có quan hệ tình dục hay chưa) bị viêm nhiễm vùng kín do nấm. Chỉ cần môi trường vùng này ẩm ướt hoặc hệ miễn dịch suy giảm, chị em phụ nữ đã có thể nhiễm nấm. Vì vậy, quan niệm khám phụ khoa chỉ dành cho những người đã lập gia đình, đã có quan hệ tình dục là hoàn toàn sai. Chỉ trong trường hợp chưa quan hệ tình dục và không có triệu chứng nào gây khó chịu (như: ngứa, rát âm hộ, không đúng kỳ kinh nguyệt, “đèn đỏ” kéo dài, đau bụng kinh…) thì các bạn gái mới có thể tạm yên tâm.

Khám vùng kín, khám vùng kín phụ nữ, khám vùng kín nữ, khám bệnh vùng kín, ngại khi khám phụ khoa, ngại khám phụ khoa, tạp chí sức khỏe, khoe24h, tap chi suc khoe, sức khỏe, suc khoe.
Chị em nên tuân thủ việc khám phụ khoa định kỳ để chủ động phát hiện bệnh, bảo vệ sức khỏe của chính mình. (Ảnh internet)

Đi đường “vòng”

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Tô Thị Minh Nguyệt, Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM, mặc dù cùng chung chu trình khám phụ khoa nhưng cách thức thực hiện khác nhau ở hai dạng đối tượng (đã quan hệ tình dục và chưa quan hệ tình dục). Ngoài những câu hỏi để xem cơ thể bạn phát triển ra sao (như: chu kỳ kinh nguyệt có đều không, có kéo dài không, màu sắc có gì đặc biệt không, có thấy bụng u to hay không…), các bác sĩ luôn luôn hỏi bạn đã có quan hệ tình dục chưa. Nếu chưa, họ sẽ thăm khám theo cách riêng, không làm ảnh hưởng đến “tấm màng mỏng nhưng quan trọng”. Việc thăm khám bằng tay qua ngả âm đạo để xác định có u xơ, u nang… với người đã có quan hệ tình dục cũng sẽ được chuyển thành thăm khám qua đường trực tràng (hậu môn) đối với các bạn gái.

Tương tự, với những người đã quan hệ tình dục, việc thăm khám sức khỏe “vùng chiến thuật” sẽ được thực hiện bằng đầu dò âm đạo, đi qua cửa mình của người phụ nữ. Với các bạn gái còn “kín cổng cao tường”, các bác sĩ sẽ yêu cầu nhịn tiểu và thực hiện phương pháp siêu âm bụng.

Trong những trường hợp các bạn gái bị viêm nhiễm do nấm hoặc bị huyết trắng, thay vì phải đặt mỏ vịt (một dụng cụ bằng kim loại giúp bác sĩ có thể xem xét các ngóc ngách của tử cung), bác sĩ sẽ nhẹ nhàng lấy mẫu huyết trắng bằng tăm bông qua lỗ màng trinh (nơi máu kinh hằng tháng đi qua) nên sẽ không ảnh hưởng đến “tấm màng” đặc biệt này.

Vì thế, các bạn gái có thể yên tâm đến bệnh viện để khám phụ khoa khi thấy những bất thường xuất hiện ở “vùng kín”.

Ngoài ra, xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh viêm gan, rubella, nhóm máu có gì bất thường… cũng được thực hiện để kiểm tra sức khỏe. Điều này rất có ích cho những bạn gái chuẩn bị lập gia đình.

Với những người e ngại đi khám phụ khoa do tâm lý ngại ngùng, sợ gặp tình huống bác sĩ nam thăm khám, bạn hãy yên tâm vì tại phòng khám phụ khoa, các nữ hộ sinh sẽ lưu ý không xếp các bạn gái chưa lập gia đình vào phòng khám của bác sĩ nam.

T.Yến
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Tin y tế